Đoàn công tác liên ngành Trung ương phối hợp giám sát tại Bưu điện tỉnh
Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, chiều 5/3, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bùi Hoàng Phương và đoàn công tác liên ngành làm việc tại Bưu điện tỉnh.
Năm 2023, Bưu điện tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tăng lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ, gia tăng doanh thu. Tổng doanh thu 113 tỷ 298 triệu đồng, đạt 95% kế hoạch (KH), tăng so với cùng kỳ 121%. Trong đó, thu bưu chính chuyển phát 19 tỷ 524 triệu đồng, đạt 81% KH; tài chính bưu chính 80 tỷ 572 triệu đồng, đạt 125% KH, phân phối truyền thông 13 tỷ 201 triệu đồng, đạt 43% KH, doanh thu tính lương 97 tỷ 603 triệu đồng, đạt 109% KH, năng suất lao động 217 tỷ đồng, đạt 108% KH, chênh lệch thu chi 25 tỷ 412 triệu đồng, đạt 155% KH; chi phí không lương 56 tỷ 223 triệu đồng, đạt 73% KH; quỹ tiền lương 28 tỷ 392 triệu đồng, đạt 112% KH. Dịch vụ phát triển BHXH tự nguyện 15.959/19.668 lượt người, đạt 81%, tăng 317 lượt người so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, phát triển dịch vụ thương mại điện tử tại các cơ sở trọng điểm, xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho từng địa bàn, tăng gần 500 khách hàng mới, doanh thu 1,5 tỷ đồng so với năm 2022. Sản lượng bưu chính chuyển phát đi 735.665, số lượng đến 936.517; nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công trực tuyến tại tỉnh, huyện, xã theo kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh.
Đối với Bưu điện - Văn hóa xã, có 150 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính đến cơ sở, xã, thị trấn đặc biệt khó khăn, doanh thu đạt 6,8 triệu đồng/điểm/tháng; báo, tạp chí được chuyển phát đầy đủ, kịp thời đến khách hàng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bưu điện tỉnh báo cáo một số khó khăn về phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt đầu tư các điểm dịch vụ công trực tuyến tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã tại vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở, phủ sóng điện thoại di động, wifi, trang bị công nghệ thông tin..., ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ hành chính công điện tử, giao dịch điện tử cho các cấp chính quyền địa phương và nhân dân thụ hưởng; hạn chế kết nối cập nhật thông tin từ cơ sở đến các cấp, ngành của huyện, tỉnh, Trung ương; khó khăn giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đánh giá cao tập thể đơn vị đẩy mạnh triển khai các loại hình dịch vụ công trực tuyến phục vụ cải cách hành chính của tỉnh. Chủ động, nỗ lực vượt lên khó khăn, khai thác tối đa các loại hình dịch vụ bưu chính, tăng doanh thu, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần tích cực đẩy mạnh các loại hình dịch vụ hành chính phục vụ ngày càng tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, theo lộ trình chuyển đổi số Bộ TT&TT đề ra, bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số của cả nước.
Đối với khó khăn của Bưu điện tỉnh đề xuất, đồng chí Bùi Hoàng Phương đề nghị Cục Thông tin cơ sở, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Bưu chính, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Sở TT&TT xem xét nguồn lực tiếp tục đầu tư đồng bộ cho điểm Bưu điện - Văn hóa xã vùng đặc biệt khó khăn về hạ tầng chuyển đổi số, tiến tới 100% xã, thị trấn được kết nối, cập nhật các thông tin, giao dịch điện tử; hỗ trợ sản phẩm nông sản, làng nghề của xã, thị trấn lên sàn thương mại điện tử, kết nối cho nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần đầu tư đồng bộ các dự án thuộc CTMTQG trên địa bàn tỉnh.