Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình thăm, làm việc tại Trung Quốc
Từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 8, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Đoàn đi khảo sát, làm việc tại Trung Quốc. Chuyến công tác với mục tiêu tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thành phố lịch sử, đô thị di sản, công viên đất ngập nước; khảo sát thực tế phim trường, kinh nghiệm quản lý và phát triển chợ thuốc, công nghiệp ẩm thực phục vụ lễ hội, du lịch tại thành phố Gia Hưng, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang; thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy và Thủ đô Bắc Kinh.
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đinh Văn Tiên, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; lãnh đạo một số sở, ngành, Trường Đại học Hoa Lư; lãnh đạo các huyện Gia Viễn, Hoa Lư.
Trong các ngày từ 24 đến 26/8, Đoàn công tác của tỉnh đã đi thăm, khảo sát thực tế những địa điểm nổi tiếng về phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của Trung Quốc là Phố cổ Tây Đường, Khu du lịch Hồ Tây, Phim trường Tống Thành và Công viên đất ngập nước Xixi Hàng Châu.
Phố cổ Tây Đường-phố cổ ngàn năm tuổi, thị trấn sông nước gồm 9 con sông nối nhau bằng 27 cây cầu. Với đặc trưng là nhà cổ xen lẫn sông nước, điểm độc đáo nhất chính là hệ thống mái hiên được thiết kế dọc suốt các con đường men theo dòng sông-đoạn mái che dài nhất là hơn 1.000m. Đây là địa điểm nổi tiếng, hàng năm thu hút hơn 13 triệu lượt khách du lịch đem lại nguồn thu nhập khổng lồ.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác, Chính quyền thành phố Gia Hưng có ông Giang Hải Dương, Bí thư Huyện ủy Gia Thiện-địa phương đang quản lí trực tiếp Phố cổ Tây Đường. Cùng dự còn có bà Đào Hồng Á, Phó Trưởng huyện Gia Thiện và Chủ nhiệm Văn phòng, Phòng Ngoại vụ huyện. Tại buổi làm việc, Đoàn công tác được ông Giang Hải Dương giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành Phố cổ, công tác bảo tồn các nhà cổ, phát triển nghề thủ công truyền thống tại Cổ trấn Tây Đường.
Theo ông Bí thư Huyện ủy, để giữ gìn vẻ đẹp của Cổ trấn Tây Đường chính quyền thành phố thực hiện nghiêm quan điểm: cố gắng giữ nguyên hiện trạng các ngôi nhà cổ. Nếu các công trình, nhà ở xuống cấp thì phục sửa theo nếp cũ và không xây mới. Đặc biệt, cuộc sống, sinh hoạt của cư dân Cổ trấn từ hàng ngàn năm nay vẫn được duy trì, đây là nét đặc trưng mang lại sức sống, sự hấp dẫn cho khách tham quan, du lịch đến địa điểm này. Theo chia sẻ của lãnh đạo Ban quản lý Phố cổ Tây Đường, vào những ngày cao điểm, Cổ trấn có thể đón tiếp trên 30 ngàn khách tham quan, du lịch.
Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn công tác trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Lãnh đạo thành phố Gia Hưng. Đánh giá cao về hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch và phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp của thành phố Gia Hưng, các quan điểm quản lý, vận hành Cổ trấn của chính quyền địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây sẽ là những kinh nghiệm quý, những gợi mở về việc bảo tồn, quản lý, vận hành những di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh Ninh Bình.
Tại thành phố Hàng Châu, Đoàn công tác dành thời gian khảo sát thực tế và làm việc với Cơ quan quản lý Công viên đất ngập nước Xixi. Đây là công viên sinh thái, vùng đất ngập nước thứ hiếm, có diện tích trên 10 km2, được coi là "lá phổi của Hàng Châu". Công viên có tài nguyên phong phú, sinh thái, phong cảnh tự nhiên hoang sơ; là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa gắn liền với các lễ hội dân gian như lễ hội rước đèn lồng vào dịp Tết Nguyên tiêu... Bởi vậy, Xixi là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, nghiên cứu khoa học và giáo dục.
Đoàn công tác được đại diện Cơ quan quản lý Công viên Xixi đưa đi khảo sát thực tế và giới thiệu về mô hình quản lý, các kinh nghiệm bảo tồn hệ sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng và tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội dân gian hay các sự kiện thu hút khách du lịch; công tác bảo vệ môi trường kết hợp phát triển du lịch sinh thái… Từ thực tiễn quản lý và phát triển Công viên Xixi, tỉnh Ninh Bình có thể nghiên cứu áp dụng, tiếp tục đầu tư vào quản lý, khai thác và phát huy những giá trị độc đáo của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn trong thời gian tới.
Cũng trong thời gian tại Hàng Châu, Đoàn đã có buổi khảo sát công tác quản lý, phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa lịch sử, thiên nhiên tại khu Hồ Tây; thị sát mô hình du lịch đêm tại kênh đào Hàng Châu, khu Phim trường Tống Thành.
Phim trường Tống Thành là một trong những phim trường rất nổi tiếng ở Trung Quốc, được xây dựng để tái hiện lại Tống Thành-một khu phố cổ nổi tiếng của Trung Quốc từ thời Nhà Tống (960-1279). Nơi đây thường được sử dụng để quay các bộ phim truyền hình cổ trang, phim điện ảnh và các chương trình giải trí khác của Trung Quốc. Vì vậy, Phim trường Tống Thành là một trong những địa điểm du lịch lý tưởng thu hút du khách đến tham quan các công trình kiến trúc cổ, tham gia các hoạt động giải trí truyền thống như xem biểu diễn múa rối nước, cưỡi ngựa, hoặc hóa trang thành nhân vật cổ trang…
Từ khảo sát thực tế và nghe trao đổi, chia sẻ của Ban quản lý phim trường về hoạt động của phim trường Tống Thành; cách thức quản lý, vận hành, tạo nguồn thu từ hoạt động của phim trường; cơ chế chính sách quản lý, hỗ trợ của địa phương trong việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch,… phương thức, chiến lược xây dựng các sản phẩm văn hóa, dàn dựng các show thực diễn phục vụ đại chúng, thúc đẩy công nghiệp văn hóa-giải trí, du lịch mà vẫn đảm bảo yếu tố đặc trưng của địa phương, Đoàn công tác đã có thêm những hiểu biết về kinh nghiệm xây dựng và phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa nói chung, phim trường nói riêng. Đây là những hiểu biết và kinh nghiệm quý báu, là tiền đề để Ninh Bình nghiên cứu, đưa ra các phương án, giải pháp xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống, show diễn phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và nhu cầu thị hiếu của khách du lịch tại Việt Nam.
Theo chương trình công tác, từ ngày 27/8 đến 30/8, Đoàn tiếp tục khảo sát, thị sát thực tế, tìm hiểu phương thức quản lý chợ thuốc, phát triển y học cổ truyền; quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa tại thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy và Thủ đô Bắc Kinh.