Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại tổ về các dự án luật
Chiều 17/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cà Mau, Quảng Ngãi và Tuyên Quang. Dự phiên thảo luận có đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Tham gia góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định và đại biểu Võ Văn Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp dân tộc và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tham gia góp ý cụ thể vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng việc xây dựng Điều 19 với cấu trúc và nội dung như hiện nay là rất hợp lý, thể hiện tư duy đổi mới, thông thoáng và tiến bộ rất lớn trong dự án luật lần này. Cụ thể, việc chuyển điều kiện “đang thường trú tại Việt Nam” từ quy định chung (khoản 1, Điều 9 của luật hiện hành) xuống thành một điều kiện riêng, mang tính lựa chọn tại khoản 1 Điều 19 là một sáng kiến nhân văn của Ban soạn thảo rất đáng ghi nhận. Điều này kéo theo hệ quả tích cực là tại khoản 2a của Điều 19, những người có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam không còn bị ràng buộc bắt buộc phải đang thường trú tại Việt Nam. Đây là quy định mở ra cơ hội cho không chỉ những người đang sinh sống tại Việt Nam, mà cả các nhà khoa học, trí thức, những người có thiện cảm và mong muốn cống hiến cho Việt Nam trên toàn thế giới, dù họ đang ở nước ngoài cũng có thể xin nhập quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng tán thành việc giảm các điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam như trong dự án luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị làm rõ về cách tính thời gian thường trú quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 19 để tránh việc phải hướng dẫn bằng văn bản dưới luật.

Đại biểu Võ Văn Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Đối với Điều 5 của dự án luật, đại biểu Võ Văn Kim cho rằng quy định này đã mở ra mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Cụ thể, quy định ở điều 5 rất hay ở chỗ, nếu như không có khiếu kiện, khiếu nại điều gì thì người có quốc tịch nước ngoài đồng thời có quốc tịch Việt Nam cũng được thu hút vào để làm việc trong những vị trí khác nhau. Đây là mối quan hệ Nhà nước và công dân tốt, phù hợp với cơ chế mới của đất nước trong sử dụng lao động, sử dụng nhân tài và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài mà đóng góp cho nước nhà.
Tham gia góp ý về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Võ Văn Kim cho rằng: Việc sửa đổi các bộ luật lần này là cần thiết nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý ngân sách. Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội nêu khoản 11, Điều 8 về nhiệm vụ chi ngân sách, nội dung này đã có Nghị định 138 quy định cụ thể nên dự thảo luật cần phải khái quát và có những quy định ở tầm cao hơn. Đồng thời đề nghị nhiệm vụ chi cần phải đôn đốc ở từng giai đoạn và quyết liệt trong vấn đề điều tiết để hoàn thành cho được những yêu cầu, nhất là vấn đề vốn chi cho đầu tư công...