Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đóng góp ý kiến dự án Luật Địa chất và khoáng sản

Chiều 20-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia thảo luận tại tổ đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 1 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).

Việc ban hành luật nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong các hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có nhiều hoạt động khoáng sản…

Thảo luận tại tổ, các ĐBQH cho biết, dự án Luật Địa chất và khoáng sản được kế thừa Pháp lệnh Tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996 và được sửa đổi, bổ sung năm 2005, Luật Khoáng sản năm 2010. Các quy định trong luật đã góp phần đưa các hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước về khoáng sản, phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản 2010 có một số bất cập, một số quy định không còn phù hợp như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất…

Mặt khác, hiện một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật; đồng thời, đề nghị quy định phải cụ thể, khả thi đảm bảo quản lý tài nguyên khoáng sản chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả...

Tại khoản 4 Điều 4 của dự án Luật Địa chất và khoáng sản về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản quy định: “Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản”.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, theo quy định của luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định của dự thảo Luật về tỷ lệ trích kinh phí phù hợp với nguyên tắc nộp các khoản thu về ngân sách trung ương hoặc địa phương; hoặc có thể sửa lại thành "Nhà nước bố trí ngân sách để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản".

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tại khoản 8 Điều 4 quy định: “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản”, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung quy định này, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Về quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành, đại biểu Nguyễn Minh Sơn thống kê, dự thảo luật giao Chính phủ hướng dẫn thi hành 51 điều, khoản, điểm/117 điều chiếm 43,58%; chưa kể nội dung giao cho bộ, ngành và địa phương, như vậy quá nhiều nội dung giao Chính phủ.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại, những nội dung nào cần cụ thể hóa thì quy định luôn trong dự thảo Luật, hạn chế tối đa việc khi Luật ban hành có hiệu lực rồi phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đại biểu lấy ví dụ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã phải xử lý theo đề nghị của Chính phủ về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Lý do là Chính phủ được giao ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Luật Khoáng sản năm 2010); tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước năm 2012).

Hai Nghị định này Chính phủ đã ban hành chậm 2 năm 6 tháng đối với Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành; chậm 4 năm 8 tháng đối với Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành. Điều này dẫn đến khó khăn trong thực hiện hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vì các khoản này đã được doanh nghiệp quyết toán chi phí hằng năm, đã nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước và trích quỹ theo quy định.

Cho ý kiến về quy định hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông phải dựa trên nguyên tắc về khả năng bồi hoàn của tự nhiên để phòng, chống rủi ro sạt lở lòng bờ, bãi sông và các công trình khác cần được bảo vệ tại điểm c khoản 1 Điều 90, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, quy định như dự thảo Luật thì địa phương không thể cấp phép khai thác được vì không có khả năng đánh giá khả năng bồi hoàn của tự nhiên, do phải đánh giá trên cả lưu vực sông.

Về thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản, khoản 1 Điều 93 quy định: Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản gồm thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và thông tin, dữ liệu trong hoạt động khoáng sản, đại biểu đề nghị bổ sung thêm về “tính năng, ứng dụng, tác động với môi trường của khoáng sản” để tương thích với khoản 22 Điều 3 để quản lý chặt chẽ hơn.

Về phân nhóm khoáng sản tại Điều 7, căn cứ công dụng và mục đích quản lý, dự thảo Luật quy định phân chia các loại khoáng sản thành 4 nhóm. Cho ý kiến về nội dung này, có đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc áp dụng các quy định này của dự thảo Luật trong trường hợp mỏ khoáng sản bao gồm nhiều loại khoáng sản thuộc các phân nhóm khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đề nghị, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đấu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản.

Đại biểu đề xuất tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp (Điều 116) để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, phù hợp nhằm xử lý các trường hợp đang thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202406/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-dong-gop-y-kien-du-an-luat-dia-chat-va-khoang-san-1013719/