Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri ngành giáo dục
Sáng 29.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hương nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Trong điều kiện khó khăn chung đó, ngành giáo dục thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học đã đề ra.
Theo đó, các cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động đã nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện toàn ngành triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, từ việc phải tổ chức học trực tuyến với rất nhiều khó khăn, học sinh Thành phố đã đến trường học trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng, năm học 2021 - 2022 bắt đầu trong lúc dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh chưa được kiểm soát, công tác tổ chức dạy và học gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở giáo dục được trưng dụng để phòng, chống dịch; việc dạy và học được tổ chức 100% trực tuyến nên khó khăn về đường truyền, phần mềm, thiết bị...
Trước thực tế đó, ngành giáo dục đã tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm công tác dạy và học qua internet, xây dựng kho học liệu trực tuyến, vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hỗ trợ trang thiết bị học tập và đường truyền cho học sinh...
Với tinh thần “an toàn đến đâu mở cửa trường học đến đó”, toàn ngành đã chủ động triển khai các kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện song song vừa bảo đảm chất lượng dạy - học vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.
Tại hội nghị, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 3 Phạm Đăng Khoa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận học sinh đang gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe tâm lý, tinh thần. Trong khi đó, trường học hiện nay chưa có quy định biên chế nhân viên y tế và giáo viên tâm lý tại trường học gây khó khăn trong công tác tổ chức tại đơn vị. Từ thực tế đó, đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 3 đề xuất cần tính toán quy định biên chế nhân viên y tế và giáo viên tâm lý trong trường học, song song với các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động. Cùng với đó, hiện có nhiều chính sách cho người lao động đang công tác tại các đơn vị ngoài công lập, tuy nhiên ở những trường công lập có hợp đồng với các thầy cô, nhân viên bên ngoài lại không được hỗ trợ.
Ở góc độ khác, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) Nguyễn Văn Dũng cho hay, hiện nay chỉ có giáo viên khối 3, 4, 5 nhận tiền hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày, trong khi đó giáo viên khối 1, 2 không được nhận hỗ trợ này do triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay ở các trường gặp nhiều khó khăn, ít ứng viên dự tuyển do tâm lý giáo viên thích dạy 1 buổi hơn 2 buổi/ngày, do buổi còn lại đi làm thêm để bảo đảm nhu cầu kinh tế. Song song đó, chế độ chính sách cho giáo viên mới ra trường hiện nay quá thấp nên không đủ sức giữ chân giáo viên trẻ.
Đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 12 cũng nêu ý kiến, với đặc thù dân nhập cư tăng nhanh trên địa bàn, công tác tuyển sinh đầu cấp luôn gặp khó, hệ thống trường công lập chịu áp lực lớn về giải quyết chỗ học dẫn đến nhiều nơi sĩ số trên 50 học sinh/lớp, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đến 30%. Do đó, đề nghị UBND thành phố sớm có chính sách hỗ trợ học phí học sinh ngoài công lập để tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển, qua đó giảm áp lực cho hệ thống trường công.
Riêng tại quận Phú Nhuận, các ý kiến cử tri đề xuất có quy định về kinh phí chi bồi dưỡng giáo viên để có chứng chỉ theo yêu cầu của các vị trí việc làm ở ngành học, bậc học do hiện nay nhiều trường hợp người lao động phải bỏ tiền túi đi học, gây ảnh hưởng tâm lý đội ngũ. Nhiều ý kiến cũng đề xuất quy định biên chế đối với các vị trí nhân viên phục vụ, bảo mẫu, giám thị, bảo vệ, cấp dưỡng... nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế tại các đơn vị.
Trả lời những ý kiến của cử tri, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng cho biết, Sở sẽ cùng phối hợp với các sở, ngành để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc hoặc đề xuất cấp trên có thẩm quyền xử lý.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sau đại dịch, nhiều vị trí việc làm mới rất bức thiết như nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý… Trong khi chưa có vị trí việc làm, Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đã cùng các sở, ngành đang hoàn chỉnh yếu tố pháp lý để tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh trình HĐND những chế độ chính sách đặc thù để hỗ trợ, giữ chân và thu hút giáo viên nhằm giải quyết khó khăn cho các đơn vị.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian dịch bệnh gây khó khăn vừa qua. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác dạy và học tại các trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cần tập trung giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, đặc biệt là những nội dung cần có sự hướng dẫn để các đơn vị triển khai thực hiện tốt; đề xuất sở này làm việc với sở, ngành liên quan giải quyết các bức xúc tại cơ sở; nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù cho giáo viên và cơ sở giáo dục trên thành phố nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND Thành phố.
Đối với các kiến nghị của cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp, gửi đến UBND TP. Hồ Chí Minh, các sở, ngành có liên quan; đồng thời, căn cứ các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan này.