Đoàn ĐBQH Hà Giang tham gia góp ý vào 3 dự thảo luật
BHG - Chiều 20.5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về 3 dự án luật gồm: Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia thảo luận vào 3 dự thảo Luật này.

Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan tham gia thảo luận
Tham gia thảo luận vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, liên quan đến quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho trưởng, phó Công an cấp xã tại khoản 2 Điều 37 của dự thảo luật. Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đánh giá quy định tại khoản 2 Điều 37 dự thảo “Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a, c khoản 1, khoản 2 Điều 36 Bộ luật này” là bước đi cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ về cấp gần dân nhất, phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã).
Tuy nhiên, Trưởng đoàn Lý Thị Lan cũng dẫn chứng từ thực tiễn của Hà giang để chỉ ra một số bất cập và khó khăn trong việc triển khai quy định này nếu không có hướng dẫn cụ thể. Qua đó đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về phạm vi thẩm quyền điều tra của công an cấp xã; chỉ cho phép điều tra những loại tội phạm ít nghiêm trọng, có khung hình phạt rõ ràng. Đồng thời, cần bổ sung điều kiện rõ ràng về năng lực của người thực hiện nhiệm vụ điều tra, phải là cán bộ có chức danh điều tra viên, đã được bổ nhiệm theo đúng quy định, hoặc trong thời hạn nhất định phải được bồi dưỡng, tập huấn và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ theo yêu cầu, bảo đảm giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hỗ trợ điều tra tại cấp xã để tránh tình trạng giao nhiệm vụ mà không đủ điều kiện thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật. Đồng thời đề xuất cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp, phân cấp trách nhiệm giữa các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp được áp dụng. Đây là điều kiện then chốt để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và hiệu quả trong việc thi hành luật tại cơ sở.
Góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định đồng tình cao với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật, cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm bảo đảm tính phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và bảo đảm quyền con người.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia thảo luận. Ảnh: CTV
Đại biểu đánh giá cao nhiều nội dung đổi mới quan trọng của dự thảo lần này như: Mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự, tăng mức hình phạt đối với một số tội danh, bổ sung các tội danh mới, đặc biệt là việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh như tham ô tài sản, nhận hối lộ – qua đó tạo cơ hội cho người phạm tội khắc phục hậu quả, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đại biểu nhấn mạnh đây là một bước tiến nhân văn, phù hợp với xu thế lập pháp tiến bộ trên thế giới. Đồng thời đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự trong nhóm tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, nhằm bảo đảm đồng bộ với quy định hiện hành về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự và luật chuyên ngành; các nhóm đối tượng được đề cập bao gồm: Công chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, công dân hợp đồng phục vụ trong quân đội, lực lượng dân quân tự vệ (theo quy định mới), học viên đào tạo sĩ quan dự bị và người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Bộ Quốc phòng.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị chỉnh lý một số nội dung nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, như sửa đổi tên gọi của cơ quan điều tra cấp quân khu cho phù hợp với thực tế tổ chức trong Quân đội. Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh việc cần bổ sung thẩm quyền điều tra cho Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng các Đoàn Trinh sát của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển – lực lượng hiện đang thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm tại các khu vực biên giới, vùng biển nhưng chưa được luật hóa đầy đủ trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất bổ sung một loạt thẩm quyền cho các lực lượng nêu trên, như lấy lời khai, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trưng cầu giám định, ra quyết định phục hồi điều tra… nhằm bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ trong xử lý các vụ việc phát sinh trên thực địa.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, đại biểu ủng hộ việc giữ nguyên quy định hiện hành (theo phương án 2) và bổ sung rõ đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử như pháp nhân thương mại thuộc Bộ Quốc phòng, dân quân thường trực… Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa các điều khoản còn thiếu về truy nã, đình chỉ, kết luận điều tra đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Đối với quy định liên quan đến hình phạt tử hình, đại biểu đề xuất cơ chế thông báo kết quả quyết định không ân giảm án nên được thực hiện thông qua các cơ quan có thẩm quyền, thay vì yêu cầu Chủ tịch nước ký ban hành quyết định bác đơn xin ân giảm.

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. Ảnh: CTV
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Vương Thị Hương bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, vốn đã chứng minh hiệu quả trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Đại biểu đánh giá cao việc luật hóa ba chính sách trọng tâm: quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của bên phải thi hành án, và hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc phương tiện vi phạm hành chính.
Đại biểu đồng tình với quy định chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là bước đi phù hợp với chủ trương phân cấp mạnh mẽ, giúp đảm bảo phản ứng nhanh trước các tình huống rút tiền hàng loạt gây nguy cơ mất thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung để tăng tính khả thi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng trong quá trình thu hồi nợ. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản cho thuê tài chính và hoàn trả các tài sản này cho công ty cho thuê tài chính trong trường hợp là vật chứng.
Về xử lý tài sản gắn liền với đất, đại biểu đề nghị bổ sung quy định không áp dụng điều kiện tại Khoản 1 Điều 46 Luật Đất đai năm 2024 đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án, tránh tình trạng không thể phát mại tài sản do chủ sở hữu không hợp tác.
Đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi Điều 200 của Luật hiện hành, bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng khi nhận tài sản để xử lý nợ.
Đại biểu tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp, thủ tục rút gọn, nhằm sớm thể chế hóa các chính sách đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng và lợi ích của nền kinh tế.