Rút ngắn thời gian bầu cử nhưng vẫn bảo đảm khoa học
Một số mốc thời gian trong quy trình bầu cử được đề xuất rút ngắn, song vẫn phải bảo đảm tính dân chủ, khoa học, chặt chẽ và cân nhắc kỹ lưỡng để không tạo áp lực quá lớn cho địa phương và các cơ quan tổ chức bầu cử.
Sáng ngày 21/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Dự thảo luật lần này có nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là đề xuất rút ngắn một số mốc thời gian trong quy trình bầu cử.
Cụ thể, thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử được rút ngắn từ 70 ngày xuống còn 42 ngày. Ngoài ra, dự thảo cũng điều chỉnh rút ngắn thời gian thực hiện một số bước sau ngày bầu cử như: công bố kết quả; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại; tiến hành bầu cử thêm hoặc bầu lại.
Nhiều đại biểu đồng tình với việc rút ngắn thời gian nhằm bảo đảm tính đồng bộ với các mốc chính trị quan trọng, song cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi và áp lực cho các cơ quan tổ chức bầu cử.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng: "Việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình bầu cử là yêu cầu chính trị đặt ra trong sửa đổi luật, nhằm thu hẹp thời gian từ sau Đại hội Đảng đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội hoặc HĐND các cấp. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định thời gian như dự thảo là quá gấp rút. Đặc biệt, giai đoạn từ Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, theo luật hiện hành là 30 ngày, nay giảm xuống chỉ còn 17 ngày thì rất ngắn, trong khi giai đoạn này phải thực hiện rất nhiều công việc".
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng bày tỏ: "Tôi đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thời gian thực hiện các bước, để bảo đảm tính khả thi và công bằng giữa việc rút ngắn thời gian và bảo đảm tính dân chủ. Các công đoạn liên quan đến tính dân chủ nên giữ nguyên thời gian hợp lý, còn những thủ tục hành chính có thể rút ngắn. Đồng thời cần có các giải pháp cụ thể để giảm áp lực công việc cho các địa phương, đặc biệt trong khâu tổ chức bầu cử".
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nêu quan điểm: "Tại khoản 33, khoản 34 điều 1 – sửa đổi, bổ sung điều 65 và điều 66 về tiếp xúc cử tri, dự thảo luật đã bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp. Tôi đánh giá cao quy định này vì phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Song, cần quy định rõ hơn về các điều kiện kỹ thuật và pháp lý để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và xác thực thông tin cử tri. Ngoài ra, nên bổ sung quy định về trách nhiệm lưu trữ, ghi âm, ghi hình các cuộc tiếp xúc cử tri để phòng trường hợp phát sinh khiếu nại".
Cũng trong phiên thảo luận, một số đại biểu đề xuất tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát bầu cử.
"Tôi đề nghị bổ sung đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giám sát bầu cử. Dự thảo quy định tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên, gồm tổ trưởng, thư ký và các ủy viên là đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa việc bổ sung đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ban công tác Mặt trận tại địa phương là thành viên tổ bầu cử. Theo luật hiện hành, Mặt trận có chức năng giám sát bầu cử, nên nếu không có đại diện của Mặt trận trong tổ bầu cử thì việc nắm bắt tình hình, kiến nghị xử lý sai sót hoặc tuyên truyền tại các điểm bỏ phiếu sẽ bị hạn chế", Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về thời gian và các điều kiện kỹ thuật, pháp lý, nhằm bảo đảm tiến độ bầu cử được đẩy nhanh nhưng vẫn giữ vững chất lượng, tính dân chủ và minh bạch của quá trình bầu cử.