ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO CÁC DỰ THẢO LUẬT
Ngày 14/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật: Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì. Cùng dự có ĐBQH Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đại diện một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh.
Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm; chế độ, chính sách đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, nội dung có liên quan đến nhiều luật khác như Luật Quốc phòng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh quốc gia… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định trong dự thảo để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Đề nghị Luật quy định Nhà nước có chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Có quy định đầy đủ, cụ thể hơn về các chính sách giáo dục, đào tạo, dân số, y tế, trợ cấp xã hội, chính sách tín dụng, bảo hiểm đối với người dân để khuyến khích tham gia bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Các đại biểu cho rằng, cần sửa quy định về tuyển chọn lực lượng theo hướng luật hóa hoặc giao Chính phủ quy định về tuyển chọn đội ngũ này. Bổ sung một số nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thực hiện các chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác.
Cần có quy định chung về số lượng tối thiểu hoặc tối đa, chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm sự thống nhất chung trong cả nước.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 45 điều quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật này quy định đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (viết gọn là người gốc Việt Nam); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nhiều đại biểu nêu ý kiến, Luật Quốc tịch năm 2008 chỉ có khái niệm “người không quốc tịch” mà không có khái niệm “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch”. Vì vậy cân nhắc việc sử dụng cụm từ “chưa xác định được quốc tịch” để bảo đảm chính xác và thống nhất với Luật Quốc tịch năm 2008.
Để khắc phục sự thiếu thống nhất giữa thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về “Nơi sinh/Nơi đăng ký khai sinh” thì chỉ cần thể hiện thông tin “Nơi đăng ký khai sinh” trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân có thông tin về sinh trắc học, đây là những dữ liệu tối quan trọng thuộc bí mật đời tư của mỗi cá nhân, bất kỳ sự lộ, lọt thông tin nào đều gây những hệ lụy khó lường, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa vào Luật hoặc cần chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, các vấn đề về bảo đảm an toàn an ninh thông tin khi thu thập.
Những quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi theo nhu cầu cần được cân nhắc thêm để tránh lãng phí, phân tán nguồn lực. Bởi việc chứng minh căn cước của đối tượng này trong các quan hệ giao dịch, từ trước tới nay, chỉ dùng giấy khai sinh cũng không có gì vướng mắc. Mặt khác, dự thảo Luật quy định người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi. Vì vậy, nếu đã quy định thì cần thực hiện thống nhất, bảo đảm nguyên tắc “không phân biệt đối xử với trẻ em”…
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp và tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, hoàn thiện các dự thảo luật trong kỳ hợp tới.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=79859