Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất nhiều nội dung về cán bộ, công chức viên chức gắn với thực hiện chính quyền 2 cấp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 26 gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Quảng Ngãi, Nam Định và Tuyên Quang.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga chủ trị thảo luận tổ.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Hà Thị Nga đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương… trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Về phạm vi sửa đổi, nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức,chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, ngạch công chức và vị trí việc làm…đối với Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Đại biểu Âu Thị Mai thảo luận.
Tham gia thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tình cao với nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.
Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Âu Thị Mai đề nghị quy định phân cấp, ủy quyền của HĐND cần cụ thể hơn về ban hành quy chế làm việc. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng HĐND tỉnh chỉ ban hành Quy chế làm việc cho HĐND tỉnh, còn đối với Quy chế làm việc của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND nên giao cho Thường trực HĐND tỉnh quy định để phù hợp với thực tiễn, đồng thời việc sửa đổi, bổ sung quy chế sẽ kịp thời khi cần thiết. Đại biểu cũng đề nghị có quy định chuyển tiếp đối với bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân khi tổ chức chính quyền 2 cấp và Tòa án nhân dân khu vực.
Đối với Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Âu Thị Mai cho rằng có nhiều quy định mới nhằm phù hợp với tinh gọn bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên, cần có tiêu chí rõ ràng, chặt chẽ trong việc tuyển dụng công chức và linh hoạt trong việc tiếp nhận người có tài năng ngoài khu vực Nhà nước; cần có quy định ưu tiên trong tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.
Góp ý vào các dự thảo, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Tuyên Quang cho rằng cần bổ sung vào nghĩa vụ của cán bộ, công chức thêm 2 yếu tố quan trọng là “kịp thời”, “trách nhiệm” trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thích ứng với công việc và chuyển đổi số.
Về quyền của cán bộ, công chức được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật, Đại biểu cho rằng đây là nội dung mới được bổ sung, và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm điều kiện là “có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung” để tránh trục lợi hoặc áp dụng tùy nghi trong thực tiễn.
Về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ liên quan của cán bộ, công chức bên cạnh quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội chung của Nhà nước, đại biểu Hà đề nghị cần nghiên cứu bổ sung đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, ngân sách đáp ứng thì nên xem xét cho phép thực hiện cơ chế thưởng để tạo động lực cho cán bộ, công chức trong công việc. Đại biểu cũng đề nghị có chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức làm công việc “nặng nhọc”.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà cũng tham gia ý kiến vào các nội dung trong việc lược bỏ các quy định cụ thể về điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại đối với cán bộ; cho thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm và nghỉ hưu; về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức…