Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV: Sôi nổi, trách nhiệm

Thảo luận tại tổ chiều 27.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đóng góp sôi nổi về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tại phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà nêu ý kiến về việc kéo dài số vốn thực hiện của giai đoạn 2016 - 2020, đến 2021 sang những năm sau và việc điều chỉnh diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn từ 282,35ha lên 284ha. Liên quan việc kéo dài thời gian triển khai thực hiện về số vốn của kế hoạch 2016 - 2020 và 2021, qua nghiên cứu báo cáo, có một số nội dung chưa theo đúng theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo đại biểu Hà, thứ nhất, theo quy định Luật Đầu tư công năm 2019 thì các dự án nguồn vốn đầu tư công trung hạn chỉ được phép kéo dài đến ngày 31.1 của năm tiếp theo nhưng thẩm quyền ai quyết định thì trong Luật lại quy định không rõ. Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ hiện nay có số vốn trong năm 2021 có giải ngân 5.247,275 tỷ đồng (trong đó có 2.346,247 tỷ đồng từ kế hoạch năm 2019 kéo dài được giải ngân). Hiện nay nội dung này chưa rõ nên đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Hà cũng cho biết, trong báo cáo có nội dung đề xuất kéo dài thời gian thực hiện vốn năm 2020 sang năm 2024 hơn 966 tỷ đồng là không phù hợp. Liên quan đến nội dung của năm 2021 chuyển sang năm 2024 hơn 1.500 tỷ thì nội dung đề xuất là không cần thiết. Do vậy, nên nghiên cứu trong trường hợp không thực hiện có thể hủy dự toán năm 2021, còn 2023, 2024, 2025 thì bố trí đủ số vốn còn thiếu trong trung hạn để thực hiện.

Liên quan đến Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, thời gian vừa qua việc triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc. Quốc hội cũng đã có nhiều nghị quyết cho thực hiện thí điểm một số dự án giao thông lớn. Lần này, Chính phủ tiếp tục đề xuất cho thực hiện thí điểm một số nội dung, tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc cho phép tăng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP. Do đó, cần phải rà soát lại các danh mục dự án để tránh việc khiếu kiện, khiếu nại hoặc đầu tư không hiệu quả.

"Trong nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư quốc lộ cao tốc qua các địa phương đã thực hiện thí điểm, nếu các địa phương khẳng định làm tốt việc quyết định này thì sẽ không vấn đề. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về nội dung liên quan về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ cho ngân sách địa phương khác”, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị cần rà soát thêm với nội dung này.

Liên quan về việc tổ chức thực hiện, đại biểu Hà đề nghị cần quy định trách nhiệm của các cơ quan trình tổng hợp đề xuất nội dung này.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/300/183230/doan-dbqh-tinh-hoa-binh-tai-ky-hop-thu-sau,-quoc-hoi-khoa-xv-soi-noi,-trach-nhiem.htm