Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ số 16 cùng với các đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh và Nghệ An.

Đồng chí Phạm Đại Dương điều hành phiên thảo luận tại Tổ 16 sáng 2/11. ẢNH: NGỌC TUẤN

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng, điều hành phiên thảo luận tổ. Tham gia phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Góp ý về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với những căn cứ đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu Lê Văn Thìn, Dương Bình Phú (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đã tham gia góp ý về giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; chính sách về thông tin của người tiêu dùng; quyền của người tiêu dùng; nghĩa vụ của người tiêu dùng…

Dự thảo luật có nhiều quy định đề cập đến “bên thứ ba”, nhưng điều 3 dự thảo luật sửa đổi không giải thích khái niệm "bên thứ ba" là như thế nào. Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có định nghĩa khái niệm "bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng". Do đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích thuật ngữ “bên thứ ba" vào điều 3 dự thảo luật cho chặt chẽ hơn.

Đại biểu Lê Văn Thìn phát biểu tại phiên thảo luận. ẢNH: NGỌC TUẤN

Tại khoản 1, điều 3 dự thảo luật quy định: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Đại biểu Lê Văn Thìn băn khoăn đối với trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp là bên mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì được xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho bên mua. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm.

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng (điều 16 dự thảo luật), theo đại biểu Lê Văn Thìn, thực tế hiện nay cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Để ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đồng thời để đảm bảo một số nguyên tắc mà dự thảo luật quy định (khoản 4 và 5 điều 4), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một khoản tại điều 16 theo hướng quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Khoản 2 điều 20 dự thảo luật quy định: “Trong quá trình thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất, bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính trong tiêu dùng”. Theo đại biểu Dương Bình Phú, quy định như vậy chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp lý ở chỗ là không rõ tiêu chí nào để nhà quản lý xác định được “sự phù hợp” của hàng hóa, dịch vụ đối với “các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có quy định cụ thể hơn.

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử

Góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng” nêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tham gia phát biểu thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Thìn đã góp ý về đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, về nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, về chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước…

Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một khoản tại điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo hướng quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Đại biểu Lê Văn Thìn

NGỌC TUẤN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/288771/doan-dbqh-tinh-phu-yen--gop-y-du-an-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-va-du-an-luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi.html