Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế khu vực đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Sáng 20/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi khảo sát thực tế khu vực sẽ thi công đánh sập 7 cửa lò khai thác vàng trái phép cuối cùng của dự án đóng cửa mỏ quặng vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh).

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế, trao đổi với hộ ông Sơn tại trang trại của gia đình. Ảnh: N.Đ

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế, trao đổi với hộ ông Sơn tại trang trại của gia đình. Ảnh: N.Đ

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cùng đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND huyện Phú Ninh tham gia khảo sát tại hiện trường.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh) đến phản ánh tại buổi tiếp dân định kỳ tháng 8/2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam về việc chính quyền địa phương tổ chức thi công lấp các hầm khai thác vàng trên địa bàn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của gia đình.

Ngoài yêu cầu UBND huyện Phú Ninh báo cáo cụ thể về các nội dung liên quan đến vấn đề được công dân phản ánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức khảo sát thực tế để nghe lại tâm tư, nguyện vọng của công dân, ý kiến ngành chuyên môn tỉnh.

Trên cơ sở đó, đưa ra các kiến nghị đối với các bên liên quan, nhất là đối với UBND tỉnh Quảng Nam để có quyết định phù hợp, trước khi thực hiện các bước cưỡng chế bảo vệ thi công theo Công văn số 5111 ngày 9/7/2024 của UBND tỉnh.

Theo UBND huyện Phú Ninh, hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn tận dụng khu vực dưới tán rừng tự nhiên, ghềnh đá để chăn nuôi dê và dựng lán trại tạm phục vụ chăn nuôi tại vị trí nằm cách xa khu dân cư và xa khu trung tâm xã (tiếp giáp giữa 2 huyện là huyện Bắc Trà My và huyện Phú Ninh); khu vực chăn nuôi đi lại rất khó khăn do qua nhiều đồi dốc, khe suối, rừng cây dây leo bụi rậm…

Đoàn khảo sát làm việc với hộ ông Sơn sáng ngày 20/8. Ảnh: N.Đ

Đoàn khảo sát làm việc với hộ ông Sơn sáng ngày 20/8. Ảnh: N.Đ

Toàn bộ diện tích đất đai trong khu vực xung quanh đồi núi Kẽm có địa hình dốc, cây tự nhiên đang phát triển, được quy hoạch rừng tự nhiên sản xuất trước đây đều không được cấp “sổ đỏ” và đất này thuộc quản lý của UBND xã Tam Lãnh.

Trong khu vực đóng cửa mỏ vàng có 36 hộ trồng rừng đã thống nhất chặt hạ cây cối trên đất và bàn giao đất cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện nhiệm vụ hoàn thổ phục hồi môi trường…

Làm việc với hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành chuyên môn của tỉnh đã giải thích các vấn đề tính pháp lý liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng, nay khu vực thuộc quy hoạch mỏ theo Quyết định 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030. Đồng thời khẳng định, việc sử dụng đất chủ yếu vào mục đích chăn nuôi của hộ ông Sơn chưa phù hợp với quy hoạch.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho biết, việc đóng cửa mỏ quặng khoáng sản vàng Bồng Miêu là chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh.

Với những vấn đề được ngành chuyên môn trao đổi, hộ ông Sơn ủng hộ tạo điều kiện cho đơn vị thi công đánh sập 7 cửa hầm lò cuối cùng nằm trong khu vực gia đình đang chăn nuôi để hoàn thành thi công dự án vào cuối năm nay.

Sau khi đánh sập 7 hầm lò này, nếu hộ ông Sơn có nguyện vọng tiếp tục thuê đất để chăn nuôi, trồng rừng thì làm đơn và chính quyền địa phương cần hết sức hỗ trợ để hộ ông được tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế nếu xem xét thấy đáp ứng các điều kiện…

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=88719