Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về một số dự án luật và dự thảo nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy
Theo chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tổ thảo luận số 3 gồm 3 đoàn: Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Nông do đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông làm Tổ trưởng. Cùng dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
![Quang cảnh buổi thảo luận tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_409_51468576/66157b9e4ad0a38efac1.jpg)
Quang cảnh buổi thảo luận tổ.
Góp ý vào các dự thảo, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, nội dung phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác (như nội dung trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay về thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước…) hoặc những vấn đề phải linh hoạt để phù hợp với thực tiễn thì không nên quy định cứng trong 2 luật này mà để pháp luật chuyên ngành và văn bản dưới luật điều chỉnh.
Về chế độ làm việc và phiên họp UBND tại Điều 37 và Điều 38 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu đề nghị nên quy định rõ hình thức UBND họp để thảo luận và quyết định các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 37 dự thảo luật nhằm bảo đảm thống nhất trong tổ chức thi hành; đồng thời tiếp tục bổ sung chủ thể được nhận ủy quyền từ Chủ tịch UBND là thủ trưởng cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh để bảo đảm quy định đầy đủ, chính xác về chủ thể được ủy quyền.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại khoản 2, Điều 8 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động theo dõi, kiểm tra, kịp thời bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục đề nghị, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đề nghị và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong việc tiếp nhận, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính nếu cần thiết để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình thực hiện, hạn chế việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngoài ra, tại Điều 15 quy định về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành để bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước.