Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang thảo luận dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 17-6, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, qua 15 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đạt được các kết quả tích cực như: Luật Thuế GTGT đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, đã góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, định hướng đầu tư sản xuất theo đúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, khuyến khích xuất khẩu, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng…

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT.

Góp ý đối với dự án Luật Thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật, đặc biệt Luật lần này đưa ra nhiều điểm mới quan trọng, bám sát các yêu cầu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết được một số vướng mắc của thuế GTGT. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Minh Sơn góp ý một số nội dung: Tại khoản 12 Điều 5 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định: Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, một thực tế là trong khóa 14 cũng như bắt đầu khóa 15 của Quốc hội, khi đi tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQ cấp huyện cũng như các đoàn thể và các gia đình chính sách có nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề về chịu thế GTGT, trong điều, khoản quy định đối tượng không chịu GTGT, tuy nhiên dự thảo quy định chiếm từ 50% thì mới không chịu, trên thực tế cho thấy, hiện nay mức hỗ trợ chỉ từ 40 đến 50 triệu đồng, còn lại bà con dòng họ gom góp lại xây dựng nhà có thể ở được cũng khoảng trên 100 triệu đồng. Nếu quy định như dự thảo Luật này thì toàn bộ phải chịu thuế GTGT hết, trong khi hiện nay nguồn lực Nhà nước không đủ nên mới cần phải huy động nguồn lực từ xã hội.

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến ở địa phương kiến nghị riêng đối với nhà ở xã hội huy động vốn đóng góp của nhân dân đề nghị miễn giảm thuế GTGT. Tuy nhiên, điều khoản này là không chịu thuế GTGT nhưng có mức chiếm trên 50%, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Ban soạn thảo xem lại tổng mức đầu tư, xem lại quy định tại Điều khoản này quy định cho phù hợp tình hình thực tế để làm sao thu hút nguồn lực đối với vấn đề xây dựng nhà ở xã hội bởi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tại Điều 13, Chính phủ bổ sung 1 Điều mới gồm 12 khoản là các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị xem lại vị trí đặt Điều 13 trong LuậtTthuế GTGT có phù hợp không, nếu đúng thì phải nằm ở Luật Quản lý thuế. Bên cạnh đó, nhiều hành vi bị nghiêm cấm ở đây trùng với Luật Quản lý thuế mà Luật Quản lý thuế là luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại thuế, vì vậy đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Ban soạn thảo hết sức cân nhắc Điều 13 này và quy định cho phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề chậm hoàn thuế GTGT. Qua nghiên cứu toàn bộ quy định của dự án Luật Thuế GTGT sửa lần này thì việc điều chỉnh này lại không nằm trong Luật này mà nằm trong điều chỉnh bên Luật Quản lý thuế. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo ghi nhận ý kiến này của đại biểu để khi đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế thì bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn thuế VAT.

Cũng góp ý đối với dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị xem xét lại quy định đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 3 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan Thuế và người nộp thuế.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Các ĐBQH cũng thảo luận, cho nhiều ý kiến đối với các nhóm vấn đề như: Đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động của giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội.

Quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan Thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.

Cần phải nghiên cứu bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; nghiên cứu sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đã góp ý thảo luận, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT...

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202406/doan-dbqh-tinh-tien-giang-thao-luan-du-an-luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-1013308/