Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc tại Ninh Bình

Ngày 6/7, Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát của Quốc hội; Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã làm việc tại Ninh Bình về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021' tại Dự án Nông trường Phùng Thượng và Cảng cạn ICD.

Đoàn giám sát làm việc tại Nông trường Phùng Thượng (Nho Quan).

Đoàn giám sát làm việc tại Nông trường Phùng Thượng (Nho Quan).

Làm việc với Tổ công tác, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các Sở: Tài nguyên-môi trường, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; lãnh đạo huyện Nho Quan.

Tại Nông trường Phùng Thượng, nay là Công ty cổ phần Giống bò thịt, sữa Yên Phú, Tổ công tác đã nghe báo cáo của Công ty và Sở Tài nguyên-môi trường về nguồn gốc, diện tích đất được giao và tình hình sử dụng đất của đơn vị.

Theo đó, Công ty đang quản lý, sử dụng hơn 768 ha theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn 50 năm. Hiện nay Công ty được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 527 ha, còn lại hơn 241 ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nên Công ty chưa hoàn thiện hồ sơ giao đất.

Đơn vị sử dụng đất cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện các chính sách về đất đai hiện nay; giải trình làm rõ về ý kiến của một số hộ dân được giao khoán đất từ Công ty yêu cầu hỗ trợ đền bù đất khi Công ty tiến hành giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã thảo luận làm rõ về nguồn gốc đất, việc khai thác sử dụng đất của công ty, rà soát các diện tích đất đang khai thác không hiệu quả; vướng mắc trong quá trình triển khai mở rộng dự án; việc thu hồi đất sản xuất của các hộ dân đang nhận giao khoán từ Công ty...

Đối với Dự án cảng khô ICD, Tập đoàn Phúc Lộc, Tổ công tác đã giám sát các nội dung về diện tích đất của dự án, cơ chế giao đất cho doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất được giao và hiệu quả sử dụng đất... Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và doanh nghiệp đã báo cáo giải trình.

Thực hiện giám sát tại Tập đoàn Phúc Lộc.

Theo đó, tổng vốn đầu tư của Dự án Cảng khô ICD và cảng đường thủy xuất khẩu là 1.274 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Dự án Cảng khô ICD là 912 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, giá trị vốn đã thực hiện Dự án Cảng khô ICD là 802,56 tỷ đồng, đạt 88% giá trị vốn đầu tư đã đăng ký. Dự án đã vận hành khai thác một phần các hạng mục đã hoàn thành, tạo việc làm cho 120 lao động tại tỉnh Ninh Bình. Số tiền nộp thuế năm 2021 là 1.263 triệu đồng; doanh thu dự án đạt trên 9 tỷ đồng; lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, Công ty Cổ phần Phúc Lộc vẫn đang trong quá trình vừa đầu tư vừa khai thác nên sản lượng chưa đạt được theo thiết kế của dự án, đồng thời lượng khách hàng thực hiện các thủ tục thông qua cảng vẫn còn ít, chưa có những khách hàng có sản lượng lớn về hàng hóa thực hiện các thủ tục tại cảng. Luồng tuyến sông Đáy hiện tại chưa đáp ứng cho những tàu có tải trọng lớn ra vào để thực hiện việc bốc xếp hàng hóa. Ngoài ra dự án vẫn còn một hạng mục chưa xây dựng...

Qua buổi giám sát thực tế tại 2 doanh nghiệp, thay mặt tổ công tác, đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh: Chương trình giám sát tại 2 doanh nghiệp trên nhằm xem xét thực tế hiệu quả sử dụng đất của các dự án, lắng nghe ý kiến của địa phương về những tồn tại, vướng mắc mà trong phạm vi địa phương khó giải quyết, từ đó có đề xuất, kiến nghị với Quốc hội xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thực tế.

Đồng thời, thông qua buổi làm việc của Tổ công tác để khảo sát thông tin, số liệu báo cáo, chuẩn bị tài liệu trước khi Đoàn giám sát của Quốc hội đến làm việc tại địa phương.

∗ Chiều cùng ngày, Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh về Chương trình hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quang cảnh Đoàn Giám sát làm việc với UBND tỉnh.

Theo đó, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được tỉnh Ninh Bình triển khai chủ động, kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác THTK, CLP. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng.

Hằng năm công tác THTK, CLP đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; tích cực triển khai thực hiện công tác THTK, CLP; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về THTK, CLP; công tác phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể trong công tác THTK, CLP bước đầu có những chuyển biến tích cực. Qua đó, kết quả công tác THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 của các đơn vị có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, công tác THTK, CLP của tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THTK, CLP ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xây dựng chương trình THTK, CLP ở một vài cơ quan, đơn vị còn chung chung, không xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm, chương trình hành động thiết thực, chưa bám sát với tình hình, đặc điểm, đặc thù của cơ quan, đơn vị đặt ra. Việc thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để THTK, CLP chưa được chú trọng.

Để nâng cao hiệu quả Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và Chương trình tổng thể về THTK, CLP năm 2022, tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về các giải pháp cụ thể liên quan đến công tác THTK, CLP. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước năm 2022. Tiếp tục rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực. Thực hiện nghiêm các quy định về công khai trong các lĩnh vực. Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể quần chúng và nhân dân trong THTK, CLP..

Cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa THTK, CLP với việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đặc biệt là tư tưởng, đạo đức của Người về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Xác định nhiệm vụ THTK, CLP là công tác trọng tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, triển khai, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các đơn vị trên địa bàn theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành của tỉnh đã báo cáo giải trình một số nội dung mà Tổ công tác yêu cầu như: một số dự án chậm tiến độ, không hiệu quả; việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; công tác thanh tra, kiểm tra nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý sử dụng tài sản công; quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; ban hành cơ chế chính sách về THTK, CLP; việc sắp xếp công tác cán bộ ở các cấp chính quyền trong tỉnh...

Thành viên đoàn giám sát đã đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của tỉnh Ninh Bình về THTK, CLP. Bên cạnh đó, đoàn cũng yêu cầu tỉnh làm rõ thêm về một số nội dung cổ phần hóa doanh nghiệp; Việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, so sánh các chỉ tiêu sử dụng đất như đất công nghiệp, đất phi nông nghiệp, dịch vụ thương mại...; làm rõ nguyên nhân chỉ tiêu nhóm đất chưa sử dụng, những tổ chức bị thu hồi đất, việc quản lý sử đụng đất, tiến độ thực hiện dự án sau khi giao đất; Quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; nợ đọng xây dựng cơ bản; việc thực hiện các kết luận của thanh tra...

Thay mặt UBND tỉnh Ninh Bình, đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của đoàn và tiếp tục làm sáng tỏ thêm những nội dung mà tổ công tác yêu cầu để phục vụ báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội trong thời gian tới.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-giam-sat-chuyen-de-cua-quoc-hoi-lam-viec-tai-ninh-binh/d20220706140733168.htm