Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Cần Thơ

Ngày 9/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh làm phó Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN).

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN).

Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 43 gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. UBND thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ chuyển đổi số; các giải pháp thúc đổi chuyển đổi xanh, phục hồi xanh được chú trọng lồng nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư nguồn lực ngoài ngân sách, đạt được những kết quả khả quan.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 12,41% so với năm 2021 và năm 2023 tăng 5,75% so với năm 2022; tính chung giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 9,01%/năm. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán của Trung ương thực hiện là 33.210 tỉ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước thực hiện trên 80.184 tỉ đồng. Hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển, hiện có 49 chi nhánh tổ chức tín dụng, 7 quỹ tín dụng nhân dân với 188 phòng giao dịch ngân hàng, tạo thuận lợi cho huy động và cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu, dịch vụ và thu ngoại tệ ước đạt 6.247,1 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu thực hiện 1.538,5 triệu USD. Chỉ số tiêu dùng năm 2022 tăng 2,33% so với năm 2021 và năm 2023 tăng 1,76% so với năm 2022.

Đối với nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố, có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc, phường Trà An (đoạn từ cầu Xẻo Mây đến Rạch Chùa), quận Bình Thủy. Nhìn chung, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án cơ bản được bảo đảm; công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán… bảo đảm đúng quy định. Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua TP Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cát thực hiện, vướng đường điện 220kV.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, thành phố Cần Thơ đã có báo cáo chi tiết, cung cấp cho Đoàn nắm được bức tranh tổng thể về tình hình triển khai Nghị quyết 43 cũng như triển khai các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn.

Ông Lê Quang Mạnh đề nghị, UBND thành phố Cần Thơ cần bổ sung vào báo cáo các phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 43 trên địa bàn; bổ sung đánh giá về tác động của việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT trong các chính sách về tài khóa (như miễn giảm thuế, phí, lệ phí…).

Đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia triển khai trên địa bàn, ông Lê Quang Mạnh yêu cầu, các cơ quan chức năng thành phổ bổ sung, hoàn thiện báo cáo làm rõ về việc thực hiện 2 dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế từ nguồn vốn theo Nghị quyết 43, các kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới.

Đối với việc thực hiện dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 trên địa bàn, thành phố cần học tập kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ các tỉnh, thành phố khác; đồng thời, quan tâm đến công tác di dời các cơ sở hạ tầng. Về giải pháp thi công khắc phục việc thiếu cát để san lấp mặt bằng cho dự án này, Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ cần chủ động liên hệ với các địa phương tìm nguồn cát nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ); dự án kè chống sạt lở trên sông Trà Nóc (thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy).

Báo cáo nhanh của các chủ đầu tư cho thấy, công trình kè chống sạt lở được triển khai nhanh, đúng tiến độ, không gặp các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ) gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cát đắp nền đang thiếu hụt nghiêm trọng và các đơn vị thi công vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết việc này.

T.Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-lam-viec-tai-can-tho-post506044.html