Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 17.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông' đã làm việc với Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Gia và Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chủ trì cuộc làm việc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Gia cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 đã thay đổi căn bản trong việc xây dựng chương trình học: chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Với cách tiếp cận đó, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình. Nhà trường lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác, về nhận thức, về tư duy …

Bên cạnh đó, nội dung sách giáo khoa theo Chương trình mới được đầu tư bài bản, đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và có nhiều tiết thực hành nên học sinh rất hào hứng học tập. Giáo dục địa phương là môn mới nhưng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, giúp học sinh có kiến thức đúng đắn về những đặc trưng, những giá trị truyền thống, văn hóa nơi mình đang sống.

Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở vật chất Trường tiểu học, THCS, THPT Hoàng Gia

Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở vật chất Trường tiểu học, THCS, THPT Hoàng Gia

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 vẫn gặp một số khó khăn do giáo viên còn khá lúng túng khi xác định yêu cầu cần đạt cho từng nội dung hoạt động của bài dạy. Việc không có giáo viên chuyên trách môn Khoa học tự nhiên được đào tạo từ trường sư phạm dẫn đến trong thời gian đầu, tổ chuyên môn cùng Ban giám hiệu phải gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc khi tổ chức phân tích bài dạy, tổ chức tiết demo để góp ý, rút kinh nghiệm và qua đó đánh giá năng lực, bố trí, phân công chuyên môn phù hợp.

Đoàn giám sát với các thầy, cô giáo Trường tiểu học, THCS, THPT Hoàng Gia

Đoàn giám sát với các thầy, cô giáo Trường tiểu học, THCS, THPT Hoàng Gia

Tại Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ISHCMC), Hiệu trưởng Kim Sharee Green cho biết, đây là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện giảng dạy Chương trình của tổ chức Tú tài Quốc tế, Chương trình Mỹ. Đối với học sinh là người Việt Nam, nhà trường thực giảng dạy các môn Tiếng Việt, Đạo Đức, Lịch sử, Địa lý Việt Nam và Tự nhiên Xã hội cho cấp tiểu học và các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân cho cấp THCS và THPT theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Đoàn giám sát làm việc với Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Đoàn giám sát làm việc với Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, trường ISHCMC gặp một số khó khăn đặc thù như trình độ tiếng Việt của học sinh có sự khác biệt tương đối lớn, phần lớn các em học tập và sinh hoạt trong môi trường quốc tế nên thời gian tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt còn hạn chế. Nhiều học sinh thay đổi môi trường học tập thường xuyên nên ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Một số học sinh có quốc tịch Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài từ nhỏ, ít sử dụng tiếng Việt nên gặp nhiều khó khăn khi theo học chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiệu trưởng trường ISHCMC cũng cho biết, Ban giám hiệu và lãnh đạo Nhà trường hầu hết là người nước ngoài, tuy có quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên thực hiện triển khai chương trình, nhưng có khó khăn về mặt giao tiếp và diễn giải các thông tin, yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 dẫn đến thời gian cập nhật thông tin mới đến Ban giám hiệu nhà trường bị kéo dài, việc bắt kịp tiến độ chuyển đổi của nhà trường bị chậm hơn so với tiến độ của các trường công lập trên địa bàn thành phố, cũng như so với lịch trình chung được Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh ban hành. Tuy nhiên, Nhà trường vẫn luôn cố gắng trong việc liên hệ, tiếp cận các thông tin chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và phối hợp thực hiện tốt.

Các thành viên Đoàn giám sát dự thính 1 buổi học tại Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Các thành viên Đoàn giám sát dự thính 1 buổi học tại Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa biểu dương những nỗ lực của đội ngũ giáo viên 2 trường trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là 2 trường học có cơ sở vật chất tốt, đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế do đặc thù riêng của mỗi trường. Những ý kiến đóng góp của các nhà trường sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo.

Các thành viên Đoàn giám sát với thầy, cô Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Các thành viên Đoàn giám sát với thầy, cô Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Cùng ngày, các đoàn công tác của Đoàn giám sát đã làm việc với Trường Tiểu học Lương Thế Vinh; Trường Tiểu học, THCS, THPT Hermann Gmeiner; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

TIn và ảnh: Nhật Trường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-tai-tp-ho-chi-minh-i319080/