Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo tiến sĩ
Chiều 22.2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường đào tạo đa ngành, đa bậc học với gần 50 ngành trình độ đại học, hơn 20 ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có 5 ngành đào tạo tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh. Kể từ khi thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo hơn 100.000 kỹ sư/cử nhân, hơn 10.000 thạc sĩ và hơn 600 tiến sĩ.
Theo báo cáo về công tác đào tạo trình độ tiến sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, Học viện đã mở 2 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ gồm: Công nghệ sinh học và Khoa học môi trường, bảo đảm các quy định về việc mở ngành.
Học viện thực hiện theo phương thức xét tuyển, tổ chức 4 lần/năm. Đối tượng dự tuyển căn cứ theo chương trình đào tạo của từng ngành và được công bố trên website của Học viện theo thông báo xét tuyển nghiên cứu sinh hàng năm. Cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên bảo đảm, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ.
Đánh giá về hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo các Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT, cơ bản phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam theo từng thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, quy chế theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4.4.2017, điều kiện về chất lượng công bố rất cao, khó thực hiện, nhất là đối với các ngành Khoa học xã hội, vì vậy nghiên cứu sinh sẽ rất khó tốt nghiệp với điều kiện này. Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28.6.2021 lại yêu cầu cao về điều kiện người hướng dẫn, yêu cầu người hướng dẫn phải thường xuyên có công trình công bố để có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh, điều này chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ tại Học viện cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, như: nghiên cứu sinh gặp khó khăn về tài chính trong tổ chức nghiên cứu, thí nghiệm, công bố xuất bản quốc tế; việc kiểm tra, xác định chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng gặp khó khăn do có nhiều loại chứng chỉ được tổ chức thi theo hình thức khác nhau.
Tại buổi làm việc, thực trạng cũng như một số vướng mắc nói chung trong đào tạo trình độ tiến sĩ hiện nay cũng được đề cập. Đó là tính mới trong đề tài nghiên cứu, quy định về thời gian đào tạo, nghiên cứu, quy định về hội đồng phản biện, quy định về số lượng công trình khoa học cũng như việc kiểm soát chất lượng đầu ra, kể cả quy định về sản phẩm đóng góp cho khoa học sau khi nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận án tiến sĩ... Nhìn nhận thấu đáo những vấn đề này chính là nền tảng tạo ra những đột phá cho chương trình đào tạo tiến sĩ.
Thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận đóng góp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam suốt thời gian qua trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế đào tạo bậc đại học và sau đại học đang đặt ra nhiều vấn đề, có vấn đề đến từ văn hóa xã hội, tâm huyết của chính người học, có vấn đề đến từ cơ chế và nguồn lực... Các ý kiến tại buổi làm việc sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu, trên cơ sở đó góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về đào tạo trình độ tiến sĩ.