Đoàn kết - Cội nguồn dẫn đến thành công
Đoàn kết dân tộc là một giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước người Việt Nam luôn đoàn kết để tạo nên sức mạnh cộng đồng chống ngoại xâm, thiên tai, dịch họa.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống đoàn kết dân tộc đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới. Nét độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh ở chỗ, Người thấy rõ điểm chung, điểm tương đồng giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội, thấy tất cả mọi người, dù có khác nhau về địa vị, tín ngưỡng, tôn giáo… song “ ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”. Chính những điểm chung đó đã kết nối mọi người thành một khối thống nhất đấu tranh vì lợi ích chung của dân tộc.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là phương thức tạo nên sức mạnh tổng hợp của đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc và hòa hợp xã hội theo mục tiêu và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn tới, nhằm khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực tổng hợp cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công thiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời “ thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” ( Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII , tập II, trang 326, 332). Quan điểm này không chỉ thể hiện sự kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, thân ái thấm đượm tinh thần nhân văn, bao dung của dân tộc, mà còn phản ánh sự sáng tạo của Đảng trong việc khơi dậy trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân đối với tương lai của đất nước.
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sự đoàn kết cộng đồng thành một khối vững chắc đã tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm cho “ đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” , như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.