Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Chiều 18-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Cùng dự tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng; các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2022-2023 là năm học có nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành GD&ĐT khi vừa cùng cả nước tiếp tục khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp THPT. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trên các lĩnh vực, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại nhiều thành phố lớn, các khu vực đông dân cư.

Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh vẫn còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Hội nghị tổng kết năm học 2022-2203 là dịp để đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ năm học, đưa ra những giải pháp để khắc phục những vấn đề còn bất cập và các nhiệm vụ lớn để thực hiện thành công kế hoạch năm học 2023-2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của ngành GD&ĐT.

Các điểm cầu dự hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Các điểm cầu dự hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm học 2022-2023; đồng thời thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024; chia sẻ kinh nghiệm, thực trạng và giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ GD&ĐT ở các địa phương.

Đại diện các bộ, ngành Trung ương cũng có những chia sẻ thiết thực trong việc phối hợp với ngành giáo dục nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, chủ trương phát triển GD&ĐT của Đảng…

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”, năm học 2022-2023, ngành giáo dục nước nhà đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19-8-2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Trong năm học, mặc dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cùng sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn trong toàn ngành tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Cũng trong năm học, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở kết quả đạt được, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, năm học 2023-2024, ngành giáo dục xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của GD&ĐT cũng như quan điểm, chủ trương, đường lối, chiến lược của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển GD&ĐT. Đồng thời yêu cầu toàn ngành giáo dục, các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT nước nhà không ngừng phát triển.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành giáo dục trong năm học 2022-2023. Những kết quả đạt được của ngành giáo dục đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục trong thời gian qua liên quan đến nhiều vấn đề như: sách giáo khoa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tình trạng thừa, thiếu giáo viên… và đề nghị toàn ngành giáo dục tập trung thực thi đồng bộ các giải pháp để sớm khắc phục.

Thủ tướng cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong báo cáo; đồng thời lưu ý ngành giáo dục quan tâm, kiên quyết ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong mọi hoàn cảnh. Đối với vấn đề sách giáo khoa, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới nhưng phải đảm bảo sự chuẩn mực và có tính phát triển.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành và toàn ngành tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp; khẩn trường ban hành các chiến lược quy hoạch trong giai đoạn mới. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện phát triển Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên phù hợp với thực tiễn ở các địa phương.

Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp với ngành giáo dục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT không ngừng phát triển.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, toàn ngành giáo dục tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, luôn trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó, kiên định, kiên trì, kiên quyết và quyết liệt hành động thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự hùng cường của đất nước.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/doan-ket-ky-cuong-sang-tao-tiep-tuc-doi-moi-theo-chieu-sau-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao/193166.htm