Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, có tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội. Qua đó, góp phần đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện không khí thi đua sôi nổi, sâu rộng, tạo động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
Xây dựng nếp sống, môi trường văn hóa
Từng là một trong những khu dân cư có tỉ lệ hộ nghèo cao của xã Mỹ Lung nói riêng, huyện Yên Lập nói chung, đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại khu 1, xã Mỹ Lung đạt 40 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 18,3%. Bà Nguyễn Thị Đông - Trưởng khu 1 cho biết: Khu hiện có 169 hộ với 710 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 92%. Những năm qua, Ban công tác Mặt trận khu phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”. Năm 2023, khu có 156 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 92,3%, trong đó có 143 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ba năm trở lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 18%.
Theo đồng chí Sa Thị Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung, triển khai Nghị quyết số 30-NQ/ĐU ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mỹ Lung khóa XXVIII về “Phát triển du lịch xã Mỹ Lung giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, khu 1 đã huy động 34 hộ hiến trên 10.000m2 đất và 200 công lao động để sửa chữa, chỉnh trang khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng, tu sửa các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng các tuyến đường hoa. Nhân dân trong khu cũng đã ủng hộ, phục dựng Đình Đồng Sương giai đoạn I, phục dựng cây đu truyền thống với tổng giá trị trên 50 triệu đồng; tổ chức may 30 bộ trang phục dân tộc trị giá gần 30 triệu đồng, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Mường...
Hết năm 2023, toàn tỉnh có 375.472/413.352 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 90,8%; 2.169/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt 93,1%; 39,4% người tập luyện thể thao thường xuyên, 31% gia đình được công nhận gia đình thể thao, 2.296 khu dân cư có quy ước, đạt 98,6%...
Tương tự, khu 1, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh có 180 hộ, trong đó 97% là đồng bào theo đạo công giáo. Những năm qua, nhân dân trong khu đã đoàn kết thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn 1,28%, hộ cận nghèo 1,28%, 93% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, khu 1 nhiều năm liền đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”...
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Các phong trào, cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động, kết hợp được sức mạnh tổng hợp của xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, qua đó xây dựng, phát huy môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, cộng đồng dân cư... góp phần đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và là nơi đăng cai tổ chức các giải thể thao toàn quốc, khu vực, giải thể thao quần chúng. Hiện nay, 100% khu dân cư trong tỉnh có nhà văn hóa; trên 8.491 công trình sử dụng cho hoạt động thể thao, gồm 35 sân vận động các loại, trên 3.750 nhà thi đấu, luyện tập TDTT, trên 30 bể bơi, 600 điểm vui chơi thể thao công cộng...
Năm 2023, một số công trình thể thao như sân vận động huyện Lâm Thao, nhà thi đấu huyện Tam Nông, Thanh Ba, Nhà Văn hóa nghệ thuật tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng, đưa vào và chuẩn bị đưa vào sử dụng; 8/13 huyện, thành, thị tiếp tục thực hiện đề án, kế hoạch sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa khu dân cư gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến
Với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, lấy đoàn kết cộng đồng làm sức mạnh, lấy khu dân cư là địa bàn hoạt động, Phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục khẳng định tính toàn dân, toàn diện và lâu dài, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, dòng họ đã đẩy mạnh phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.
Tại huyện Thanh Thủy, mô hình kinh tế trang trại của ông Lê Mạnh Cường, khu 6, xã Đồng Trung cho thu nhập (sau khi trừ chi phí) khoảng sáu tỉ đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của ông Đặng Trung Kiên (khu 4, xã Đồng Trung) trồng bưởi, cam, chanh chất lượng cao, đã đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, đưa vào bán ở siêu thị, cho lợi nhuận khoảng 1,2-1,5 tỉ đồng/năm... Trên địa bàn thành phố Việt Trì, nhân dân khu 5, phường Vân Cơ đã đóng góp được 85 triệu đồng để làm đường điện chiếu sáng, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp hỗ trợ sửa chữa, đổ bê tông khuôn viên sân nhà văn hóa khu dân cư với số tiền 41 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Cống, khu Phong Châu, phường Bạch Hạc có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, được biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023...
Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy, điều quan trọng, tiên quyết là tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện phong trào. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần coi trọng việc gắn các nội dung của phong trào với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hằng năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung phong trào, từ đó phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác, năng lực tự quản, tự làm chủ đối với những thành quả của phong trào.
Bên cạnh đó, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở... góp phần xây dựng văn hóa, con người Đất Tổ nói riêng, con người Việt Nam nói chung với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc trong thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa/205724.htm