Đoàn Luật sư TP.HCM góp ý hồ sơ xây dựng Luật Luật sư

Đoàn Luật sư TP.HCM đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Tư Pháp góp ý nhiều nội dung về tiêu chuẩn luật sư, thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư...

Hôm nay (29-5), Đoàn Luật sư TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư.

Tiêu chuẩn bản lĩnh nghề nghiệp luật sư là trừu tượng

Theo Đoàn Luật sư TP.HCM, về tiêu chuẩn luật sư, việc bổ sung tiêu chuẩn về tư tưởng, bản lĩnh nghề nghiệp luật sư là trừu tượng. Thực chất tiêu chuẩn tư tưởng đã được cụ thể hóa trong Điều 10 Luật Luật sư hiện hành là trung thành với tổ quốc, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

Còn bản lĩnh nghề nghiệp thể hiện trong quá trình hoạt động hành nghề luật sư, chưa hành nghề làm sao đánh giá được bản lĩnh nghề nghiệp. Luật sư không có bản lĩnh khi hành nghề thì sẽ không thành công, không được tín nhiệm và sẽ bị đào thải. Trong khi Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng chủ trương xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, chứ không phải bản lĩnh nghề nghiệp.

 Luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) vừa ký văn bản góp ý gửi Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Ảnh: YC

Luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) vừa ký văn bản góp ý gửi Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Ảnh: YC

Về đào tạo nghề luật sư, theo Đoàn Luật TP.HCM, Luật Luật sư hiện hành đã giao cho Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức đào tạo nghề luật sư. Cần làm rõ nguyên nhân vì sao đến nay không thực hiện được và trách nhiệm thuộc về ai? Thực tế cho thấy các lớp đào tạo nghề luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức có rất nhiều luật sư tham gia.

Về quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5 hoặc 10 năm đã một lần không được chấp nhận vì không phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn hành nghề luật sư. Vì vậy, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng không nên đề xuất quy định này.

Theo Đoàn Luật sư TP.HCM, đối với hình thức tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh là đơn vị trực thuộc tổ chức hành nghề luật sư, không có tư cách pháp nhân. Tổ chức hành nghề luật sư quyết định thành lập, giao nhiệm vụ, giải thể và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của chi nhánh. Do đó, không thể quy định chi nhánh cũng là một tổ chức hành nghề luật sư, mâu thuẫn với quy định tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng với một luật sư làm Trưởng chi nhánh.

Cạnh đó, nghề luật sư là một nghề đặc biệt, vai trò của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư hết sức quan trọng trong giao dịch và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng và khách hàng. Không thể áp dụng Luật doanh nghiệp để quy định cùng một tổ chức hành nghề luật sư có nhiều người đại diện theo pháp luật cho từng lĩnh vực (hình sự, dân sự, thương mại, tư vấn pháp luật...).

Không nên đề xuất UBND cấp huyện kiểm tra về tổ chức và hoạt động của luật sư

Luật hiện hành quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền phê duyệt đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự đại hội và phê duyệt kết quả đại hội bầu chủ nhiệm, các thành viên ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Vì vậy, việc đề nghị bổ sung trách nhiệm (hay thẩm quyền) của Bộ Tư pháp trong việc xem xét, đình chỉ tư cách chủ nhiệm Đoàn Luật sư, thành viên ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư là không phù hợp.

Cạnh đó, Điều 3 Luật Luật sư hiện hành quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Với chức năng xã hội quan trọng và cao quý như vậy, luật sư là “một trong kiềng 3 chân", gồm thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư trong quá trình tố tụng. Vì vậy, đòi hỏi luật sư phải tốt nghiệp cử nhân luật, phải qua quá trình đào tạo nghề bài bản, phải tập sự hành nghề và phải vượt qua các kỳ kiểm tra chặt chẽ trước khi được công nhận luật sư chính thức.

Do đó, đề nghị bổ sung thẩm quyền của UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động của luật sư là không phù hợp. Bởi lẽ UBND cấp huyện sẽ lại giao cho Phòng Tư pháp thực hiện, trong khi cán bộ Phòng Tư pháp không thể đảm đương trọng trách này vì hạn chế về năng lực, trình độ và cũng không đúng thẩm quyền. Thực tế hiện nay, nhiều UBND cấp huyện còn phải nhờ luật sư giúp đỡ, hỗ trợ về pháp luật.

Thêm nữa, tổ chức luật sư và luật sư hiện đã phải chịu áp lực quản lý “Một cổ nhiều tròng”: Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, UBND cấp tỉnh (Sở Tư pháp), nay lại thêm UBND cấp huyện (Phòng Tư pháp). Đề nghị này làm hạn chế quyền và trách nhiệm tự quản của tổ chức luật sư, không phù hợp chủ trương của Đảng và thông lệ quốc tế.

3 góp ý về khiếu nại quyết định kỷ luật luật sư (Điều 91 dự thảo)

- Luật Khiếu nại áp dụng đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước, không áp dụng cho tổ chức luật sư và luật sư.

- Không thể bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đối với chính quyết định của Ban chủ nhiệm. Quy định này không hợp lý, không phù hợp nguyên tắc 2 cấp giải quyết khiếu nại, chỉ kéo dài thời gian giải quyết, gây phiền phức cho các bên, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giải quyết.

- Đề nghị sửa lại quy định hiện hành: chỉ được khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với trường hợp bị kỷ luật xóa tên (bỏ trường hợp kỷ luật tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư).

Theo văn bản của Đoàn Luật sư TP.HCM

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/doan-luat-su-tphcm-gop-y-ho-so-xay-dung-luat-luat-su-post793029.html