Doanh nghiệp bàn giải pháp tiêu thụ 48.000 tấn nông sản chế biến tồn kho quý I
Tổng lượng hàng nông sản tồn kho lên tới 48.200 tấn với giá trị thiệt hại ước tính trên 410 tỷ đồng.
Cà phê, tiêu, điều tồn kho lớn
Đây là những số liệu vừa được Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) công bố tại Hội nghị trực tuyến “Chương trình hành động và giải pháp trong đại dịch COVID-19” vừa diễn ra sáng 2/4 với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Kết quả rà soát này được VIDA thực hiện với 50 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến và thương mại xuất khẩu nông sản vào cuối tháng 3 vừa qua.
Đáng chú ý, số liệu rà soát cho thấy, trong tổng lượng hàng nông, hải sản, thực phẩm chế biến tồn kho trên 48.000 tấn, thì tồn kho nhiều nhất về số lượng có các mặt hàng cà phê, tiêu, điều với trên 43.000 tấn ước tính trị giá 50 tỷ đồng. Các sản phẩm hải sản chủ yếu là tôm tồn kho trên 1.000 tấn trị giá 35 tỷ đồng. Các sản phẩm chế biến, chế biến sâu tồn kho 100 tấn trị giá khoảng 25 tỷ đồng. Đặc biệt, tồn kho các sản phẩm gỗ lên tới 260 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị lượng hàng tồn kho này.
Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp, khảo sát của VIDA cho thấy, 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do tác động của dịch bệnh.
Ước tính, tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30 - 50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch. Các doanh nghiệp phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi áp lực về tài chính, lãi vay đang là gánh nặng với doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đó, lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản.
Dự báo về nhu cầu nguyên liệu trong 6 tháng tới, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cho biết, có thể chủ động được vấn đề nguyên liệu phục vụ sản xuất, trong đó nhu cầu nguyên liệu chủ yếu là phân bón 4.000 tấn. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra tiêu thụ và bảo quản đang là những khó khăn lớn đặt ra.
Các thành viên VIDA là những chiến sĩ áo xanh trên mặt trận chống Covid-19, là những "chiến sĩ hậu cần" với nhiệm vụ đảm bảo lương thực, thực phẩm trên mọi chiến trường và đưa tới từng người dân, từng hộ gia đình
- Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội VIDA
Cụ thể, theo phản hồi của các doanh nghiệp nông sản, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn đối với nông sản Việt Nam, nhưng đã bị đình trệ suốt quý I/2020 do dịch bệnh, dù đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ vào nửa cuối tháng 3 đối với hàng xuất khẩu đường bộ qua một số cửa khẩu khu vực phía Bắc.
Do tác động từ dịch Covid 19 bùng phát, nhiều đối tác yêu cầu hủy hoặc hoãn đơn hàng xuất khẩu vì nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, một số nước hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, nguyên liệu thực phẩm là các mặt hàng nhanh hết hạn, cận hạn sử dụng, có nguy cơ phải hủy bỏ nếu hết date và chậm tiêu thụ.
Riêng đối với ngành hàng thực phẩm phân phối qua các kênh trường học, nhà hàng, khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do học sinh nghỉ học hơn 2 tháng, lượng khách du lịch quốc tế tính đến thời điểm nửa cuối tháng 3 năm 2020 không phát sinh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu không được đơn vị cung cấp dịch logistics cung cấp đủ container để đóng hàng xuất khẩu do một lượng lớn container bị tắc tại Trung Quốc chưa giải phóng. Hàng hóa không tiêu thụ được, tồn kho tại doanh nghiệp dẫn tới chi phí lưu kho bãi cao, chi phí bảo quản hàng lạnh tăng cao.
Đáng chú ý, dịch Covid-19 còn gây ra sự sụt giảm lượng khách hàng tiêu dùng chủ chốt của doanh nghiệp là khách du lịch nước ngoài. Các điểm bán hàng nội địa thì cần phải có công nợ lớn và dài ngày hơn mới chịu bán hàng.
Một số doanh nghiệp nhỏ chỉ tiêu thụ được 30% nông sản thu hoạch hàng ngày, nhưng chưa được trang bị tủ bảo ôn và tủ đông để cấp đông sản phẩm, số lượng hàng thối hỏng chiếm đến 50 - 60% sản lượng. Hiện nay, bản thân các doanh nghiệp chủ động bán lỗ, bán giảm giá thay vì phải hủy bỏ hàng hóa với đặc thù là sản phẩm tươi sống, hạn chế thời gian bảo quản.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Đánh giá về khó khăn trong quá trình đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, các doanh nghiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm nhập khẩu có tỷ lệ cao hàng bị chậm trong khâu vận chuyển, hàng tồn kho nhiều, hàng về chậm không đúng tiến độ phân phối.
Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá không ổn định cũng gây nhiều bất lợi cho nhà nhập khẩu Việt Nam. Nông sản không tiêu thụ được, bà con nông dân hạn chế đầu tư vật tư nông nghiệp đầu vào, dẫn đến doanh nghiệp bị tụt giảm doanh thu.
Trước tình hình khó khăn trên, tại hội nghị, các doanh nghiệp cho biết, đều đang nỗ lực chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới để giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều đề nghị các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… cần hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, cần cân nhắc chủ động điều tiết giảm lượng hàng nhập, đặc biệt là những mặt hàng nông sản mà trong nước đang sản xuất được nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ, ưu tiên tiêu thụ nông sản thực phẩm trong nước.
Các Cục và Chi cục Thú y vùng và các Chi cục Hải quan hỗ trợ giải quyết nhanh nhất việc cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày tại cảng gây ra tốn kém chi phí lưu cont lưu bãi và chi phí cắm điện bảo quản lạnh tại cảng.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, các thương vụ hỗ trợ kết nối các nhà mua nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt tồn kho trong sản xuất.
Đề xuất các ngân hàng kích thích các gói cho vay đầu tư chậm trả cho bà con nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh.
Trước mắt, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết VIDA, sẽ triển khai ngay một số giải pháp như tăng cường kết nối với nhà mua trong trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà mua lớn bao gồm Central Group, AEON, Vincommerce thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
“Hiệp hội sẽ triển khai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hợp tác với một số sàn thương mại điện tử như Sendo để cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng offline để phòng dịch. Đồng thời, tăng cường vai trò kết nối, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác để thành viên chủ động khai thác thị trường tiềm năng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các thành viên Hiệp hội VIDA đều thống nhất cho rằng, dịch Covid-19 tuy khó khăn nhưng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp biến "nguy thành cơ" bởi, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu rất lớn về thực phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods:
Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang bắt đầu dần hồi phục sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nên cần tập trung vào thị trường này.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ mở rộng cánh cửa thị trường này, nhất là về nông sản và trái cây để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp Định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký, sắp tới sẽ được phê duyệt, vì vậy, đây cũng là một thị trường cần tập trung và chuẩn bị ngay dù hiện tại tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu đang khá phức tạp.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Phúc Sinh:
Nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm nên trong đợt dịch vừa qua, Công ty vẫn xuất khẩu nhiều loại thực phẩm như hồ tiêu, quế…, hầu như không bị dừng mặt hàng nào.
3 tháng đầu năm, chúng tôi vẫn có nhiều đơn hàng, nhân viên phải làm từ 1 đến 2 ca/ngày. Khi các doanh nghiệp chuẩn bị nền tảng hệ thống tốt từ trước, thì khi xảy ra dịch sẽ không bị động và thiệt hại nhiều. Đặc biệt, đây là lúc để cải tổ lại doanh nghiệp từ hệ thống phần mềm, quản trị, để nâng cao hiệu quả sản kinh doanh của mình.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn
Trong bối cảnh tình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động, giúp đảm bảo duy trì ổn định sản xuất. Hiện Hùng Nhơn đang sản xuất tới 20.853 tấn hàng/tháng.
Trong 3 tháng tới, Hùng Nhơn vẫn dự kiến tăng trưởng 3 - 5% và mở rộng hoạt động sản xuất. Trong đợt dịch này, chúng tôi tạm dừng hoạt động của 2 công ty xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng và chuyển công nhân về làm việc tại trang trại, tập trung sản xuất.
Công ty chủ trương không sa thải nhân viên trong thời điểm này, mà còn đưa ra các chương trình thưởng KPI để 100% cán bộ, công nhân viên yên tâm làm việc tại trụ sở và hỗ trợ đưa toàn bộ các gia đình công nhân cùng đến ở để công nhân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Mỹ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan và Tập đoàn Rynan:
Các doanh nghiệp thực phẩm cần xác định dịch COVID-19 trong “nguy có cơ”. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cải tiến đóng gói bao bì giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn.
Đặc biệt, trong giai đoạn cách ly toàn xã hội này,công nghệ đóng gói bao bì khí cải tiến cũng rất phù hợp khi cung cấp qua kênh thương mại điện tử. Dịch COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ đóng gói mới và hiện đại nhất để nắm lấy cơ hội phát triển tốt hơn.