Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đòi được quyền nghỉ bán nếu kinh doanh không có lãi
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng nếu không quy định công khai chi phí định mức thì cần phải quy định cho họ được quyền đóng cửa nghỉ bán ngay lập tức khi thấy kinh doanh không có lãi...
Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và gặp nhiều khó khăn bởi quy định về chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính chưa hợp lý.
DOANH NGHIỆP BÁN LẺ XĂNG DẦU KHÔNG ĐƯỢC CHIA LỢI NHUẬN
Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện họ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính bởi trong quá trình kinh doanh họ thường xuyên phải nhận chiết khấu ở mức 0đ.
Từ những quy định chưa hợp lý về chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu các doanh nghiệp bán lẻ băn khoăn, không hiểu các cơ quan, mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính tính như thế nào về chi phí định mức để rồi cuối cùng các doanh nghiệp bán lẻ thường xuyên phải nhận chiết khấu 0đ. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhận chiết khấu 0đ có nghĩa là họ hoàn toàn họ không được chia lợi nhuận.
Phân tích về lập luận trên, các doanh nghiệp cho rằng chiết khấu hiện tại mang tính tâm lý. Bởi, giả sử chiết khấu tại kho là 100 - 300₫/lít xăng, nhưng khi doanh nghiệp bán lẻ vận chuyển về đến cửa hàng, sau khi trả tiền vận chuyển thì xem như còn 0₫ hoặc âm. Ở những tỉnh miền núi xa xôi, chi phí vận chuyển còn cao hơn. Vậy doanh nghiệp bán lẻ còn gì để sống?.
Theo quan điểm của rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong cơ chế thị trường thì Thông tư 104 của Bộ Tài chính để thực hiện chi tiết Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu không còn phù hợp, và không công bằng đối với 2 khâu là bán buôn và bán lẻ. Bởi kinh doanh là phải có lợi nhuận. Trường hợp lỗ do doanh nghiệp gây ra thì doanh nghiệp phải tự chịu là điều đương nhiên. Nhưng hiện nay sau một chu kỳ kinh doanh, thứ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thu về là "0 đồng" hoặc âm vốn. Trong khi vốn là thuộc sở hữu của cá nhân từng doanh nghiệp nhưng lỗ mà không được bù lỗ, không được tạm nghỉ là một vấn đề các cơ quan quản lý cần phải xem xét lại.
Vẫn theo các doanh nghiệp bán lẻ, cơ chế điều hành giữa doanh nghiệp đầu mối và hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp bán lẻ không công bằng, do văn bản quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối.
Trong các doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc, họ đều có quan điểm rằng việc các doanh nghiệp bán lẻ lỗ mà không cho nghỉ bán, không được bù lỗ, không có giải pháp để khắc phục lỗ cho thấy một điều là những quy định luật pháp liên quan chưa mang tính toàn cục và bao hàm trong việc điều hành chung của cả hệ thống xăng dầu quốc gia.
Trường hợp nếu bắt buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải bán để phục vụ nhu cầu xã hội cũng cần phải quy định chi phí định mức bắt buộc phải có để cho các doanh nghiệp bán lẻ duy trì hoạt động hoặc cho quyền để doanh nghiệp bán lẻ tự quyết định giá bán lẻ và tự chịu về hiệu quả kinh doanh của mình.
Ở đây, phải nói rõ hơn là các doanh nghiệp bán lẻ chỉ cần chi phí định mức được quy định để hoạt động phục vụ trong những giai đoạn khó khăn mang tính chia sẻ, chứ không yêu cầu quy định mức lợi nhuận hay chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ.
DOANH NGHIỆP BÁN LẺ ĐÒI ĐƯỢC QUYỀN ĐÓNG CỬA NGHỈ BÁN
Mới đây, Chính phủ đã có họp với các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Tư pháp liên quan về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ Công thương, Tài chính, cơ quan thống nhất các nội dung liên quan đến công thức giá, điều hành giá, tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở, quản lý, sử dụng giám sát Quỹ bình ổn giá và việc phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan về các nội dung trên tại dự thảo Nghị định đã thực hiện theo kết luận của Thường trực Chính phủ.
Dù Chính phủ đã có chỉ đạo như vậy, nhưng trao đổi với chúng tôi ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc ở Trà Vinh nêu quan điểm: Tôi không hiểu vì sao ở Dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, cơ quan soạn thảo chưa đưa vào quy định chi phí định mức.
Bởi thế, ông Tây cho rằng, nếu Thông tư 104 của Bộ Tài chính không sửa song song với Nghị định xăng dầu sửa đổi, bằng cách phân chia chi phí định mức theo tỷ lệ ở các khâu cho rõ ràng thì hiệu quả của việc sửa đổi Nghị định là không đáng kể, “bất ổn” trên thị trường xăng dầu sẽ vẫn tiếp diễn và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong tương lai.
Ông Tây phân tích, quy định hiện tại đang tạo kẽ hở cho doanh nghiệp đầu mối “chèn ép” doanh nghiệp bán lẻ, tạo xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu không đáng có. Vì thế, các cơ quan cần quan tâm và lắng nghe những phản ánh của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Ông Tây nói, nếu Thông tư 104 không sửa sai mà cứ tạo điều kiện tiếp cho các doanh nghiệp đầu mối có cơ hội lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chèn ép doanh nghiệp bán lẻ thì cho dù Bộ Công Thương có xây dựng bao nhiêu Nghị định đi nữa cũng không giải quyết được vấn đề chiết khấu 0đ và xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Chính vì thế, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, và kể cả các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm để hiểu rõ vấn đề này và đưa ra những điều chỉnh cho hợp lý. Trường hợp nếu không quy định công khai chi phí định mức cho doanh nghiệp bán lẻ thì cần phải quy định cho doanh nghiệp bán lẻ được quyền đóng cửa nghỉ bán ngay lập tức khi thấy kinh doanh không có lãi, ông Tây đề xuất.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, trao đổi nhanh với Thương gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc đưa chi phí định mức vào các quy định theo yêu cầu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là rất khó. Bởi nếu quy định cụ thể bán 1 lít xăng được lãi một số tiền nhất định thì toàn dân Việt Nam đi kinh doanh xăng dầu hết. Như thế thì còn đâu là kinh tế thị trường nữa.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải pháp tốt nhất là khi đàm phán hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp đầu mối cần rõ ràng. Dần dần chúng ta phải thực hiện việc mua đứt bán đoạn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp bán lẻ chưa phải là chân rết của một doanh nghiệp đầu mối nào bởi trong Nghị định 95 đã quy định rõ về vấn đề này.