Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Thực tế, không ít cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đã sớm nhận thức được vấn đề và chủ động triển khai giải pháp kịp thời.

Sản phẩm thuộc Dự án khởi nghiệp xanh được giới thiệu tại sự kiện công bố kết quả Cuộc khảo sát "Tiêu dùng Xanh 2024". Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Sản phẩm thuộc Dự án khởi nghiệp xanh được giới thiệu tại sự kiện công bố kết quả Cuộc khảo sát "Tiêu dùng Xanh 2024". Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 đã ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững cũng như xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đặc biệt, mô hình bền vững không chỉ tập trung áp dụng trong sản xuất mà đang mở rộng dần sang lĩnh vực thương mại, tiêu dùng tiếp cận theo vòng đời sản phẩm.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh thể hiện nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng với việc bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value - IBV) cho thấy, 90% số người được khảo sát bày tỏ rằng, dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách nhìn về vấn đề liên quan môi trường và tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng đang dần quay lưng, hạn chế sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.

Nắm bắt xu hướng này, mới đây, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi bao bì cho các dòng sản phẩm từ nhựa chuyển đổi sang ly giấy nhưng vẫn giữ nguyên giá bán. Ngoài ra, Acecook Việt Nam còn thay thế nĩa bằng loại nhựa 49% hàm lượng nguyên liệu sinh học, đạt được chứng nhận có nguồn gốc từ nguyên liệu sinh học từ tổ chức TUV Austria (châu Âu) đã được đưa vào sử dụng trong sản phẩm mì Tô Nhớ hồi tháng 7 vừa qua và dự kiến hoàn tất cho các sản phẩm còn lại vào cuối năm 2024.

Động thái này không chỉ góp phần làm giảm đáng kể lượng nhựa sử dụng trong sản xuất mà còn giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Điều này thể hiện cam kết trong việc giảm thiểu tác động môi trường của sản phẩm và tiếp tục thực hiện mục tiêu hàng đầu là phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tương tự, Tổng công ty May 10 đã triển khai nhiều hoạt động xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm tái chế, từ thiên nhiên…

Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu đốt bằng điện sinh khối nhằm bảo đảm lượng khí thải carbon ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.

Không chỉ với doanh nghiệp sản xuất, đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ, bà Nguyễn Thị Hải Thanh- Giám đốc Siêu thị Aeon Hà Đông (Hà Nội) cho hay, Aeon Hà Đông có các quầy tính tiền ưu tiên cho khách hàng không sử dụng túi ni-lon. Đồng thời, cung cấp dịch vụ "rent a bag" cho mượn túi môi trường trực tiếp tại quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và sẽ hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ. Cùng đó, Aeon Hà Đông còn triển khai chương trình ngày không dùng túi nilon vào thứ hai đầu các tháng cũng như ngừng phân phối sản phẩm nhựa sử dụng một lần và chuyển đổi từ thẻ mua sắm nhựa sang sử dụng ứng dụng di động.

“Với vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm hằng ngày, Aeon Hà Đông cùng khách hàng nỗ lực giảm rác thải nhựa, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh”, bà Nguyễn Thị Hải Thanh bày tỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng đề xuất các ngành chức năng hỗ trợ chính sách trong quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua đào tạo và nâng cao năng lực nhân lực. Cụ thể, tổ chức chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhất là với doanh nghiệp bán lẻ cũng như người lao động. Cùng đó, khuyến khích các trường đại học và cơ sở giáo dục tích hợp chương trình đào tạo về công nghệ số và phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy.

Để bắt kịp xu hướng sản xuất, tiêu dùng bền vững, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, ngoài việc doanh nghiệp phải chuyển đổi mạnh mẽ thì cần có giải pháp khuyến khích và ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, tới đây, Bộ Công Thương sẽ chú trọng nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, xây dựng, ban hành và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định, tiêu chuẩn xanh. Chẳng hạn như các tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, bộ tiêu chuẩn về EGS (môi trường quản trị và xã hội); tiêu chuẩn về nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế; các chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xanh (năng lượng tái tạo, tái chế chất thải..), chính sách giảm thiểu phát thải, phát triển thị trường carbon…

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái chế chất thải, thiết kế sản phẩm bền vững, mô hình cộng sinh công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, phát triển chuỗi bền vững, tuần hoàn. Cùng đó, thúc đẩy hoạt động chứng nhận doanh nghiệp bền vững và dán nhãn sinh thái; xúc tiến thương mại, xuất khẩu bền vững với sản phẩm xanh; liên kết sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-bat-nhip-xu-huong-tieu-dung-xanh-20241203071044027.htm