Doanh nghiệp bị áp lực 'phí chồng phí' ở BOT Phú Hữu
Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trạm BOT Phú Hữu khiến các doanh nghiệp áp lực 'phí chồng phí'.
Vào tháng 3, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định mức giá tối đa dịch vụ đường bộ tại dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, TP Thủ Đức với mức thu phí 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet.
Các doanh nghiệp và người dân khu vực này đã có phản ứng với mức phí khi qua BOT Phú Hữu.
"Phí chồng phí"
Gần đây, ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Công ty QTL Logistics có đơn kiến nghị TP.HCM, TP Thủ Đức, Công ty Xi măng Hà Tiên về mức phí qua trạm BOT Phú Hữu. Theo ông Lâm, việc thực hiện thu phí cầu đường qua trạm BOT Phú Hữu trong bối cảnh hiện tại tồn tại nhiều bất cập, không cần thiết, tạo áp lực lớn lên hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo ông Lâm, năm 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng, đặc biệt là các ngành hàng dệt may, da giày, gỗ... Các chỉ số dự báo về tình hình kinh tế chung năm 2024, chưa khẳng định ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn.
Ông Lâm tính toán một container hàng hóa từ TP.HCM xuất khẩu và ngược lại phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp, cụ thể: phí xuất nhập khẩu mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí xuất nhập khẩu, thuế; lệ phí cầu đường tại các trạm BOT hiện hữu; chi phí vận hành sản xuất.
Tiếp đó là vấn đề phí chồng phí tại cảng Phú Hữu. Đây là khu vực tập trung nhiều cảng có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ xuất nhập khẩu nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ. Đây cũng tuyến đường huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải trên cùng một tuyến đường. Vì thế, nếu thêm một trạm BOT, doanh nghiệp sẽ phát sinh 132.000 đồng/2 lượt/container 20 feet và 266.000 đồng/2 lượt/container 40 feet.
"So sánh với các trạm BOT hiện hữu, chiều dài 2,6 km đường Nguyễn Thị Tư (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) với mức thu phí cầu đường như vậy khá chênh lệch, ảnh hưởng rất lớn tới các chi phí, phát sinh không đáng có quá nhiều, đưa doanh nghiệp vào trạng thái bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải", ông Lâm nêu thực trạng.
Phát sinh chi phí và ùn ứ
Tượng tự, Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH Thương mại và Tiếp vận Việt Long cũng gửi đơn cầu cứu. Các công ty này cho rằng phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư thời điểm này gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Phía công ty Chánh Dương, đánh giá việc triển khai thu phí trong thời điểm này là áp lực đối với doanh nghiệp. Số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty khoảng 140.000 container/năm, chi phí sẽ đội lên rất lớn.
"Với khoảng cách từ ngã 3 đường Nguyễn Duy Trinh rẽ vào đường Nguyễn Thị Tư đến vị trí đặt trạm thu phí BOT khoảng 300m, cùng mật độ xe container lưu thông rất lớn sau các khung giờ cấm, việc duy trì khoảng cách quá ngắn để các xe nối đuôi nhau qua hai lần ra/vào sẽ gây kẹt xe, tắc nghẽn nghiêm trọng khu vực này. Từ đó, phát sinh thêm chi phí nhiên liệu do ùn ứ, xe phải xếp hàng", công ty Chánh Dương lo ngại.
Từ những lý do trên, các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu kiến nghị UBND TP.HCM xem xét miễn giảm hoặc giảm trừ chi phí thu qua trạm, thay đổi phương án hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư dự án BOT Phú Hữu.
ĐÀO TRANG - NHƯ NGỌC
Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-bi-ap-luc-phi-chong-phi-o-bot-phu-huu-post790798.html