Doanh nghiệp Bình Dương, cổ phần hóa rồi niêm yết… cho vui?
Việc cổ phần hóa và niêm yết một số doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Bình Dương đến thời điểm này nhìn lại có thể thấy là một điển hình của thực trạng 'bình mới rượu cũ'.
Trên sàn chứng khoán hiện có 3 doanh nghiêp thuộc Tổng công ty Becamex IDC là Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển nhà Bình Dương (TDC), Công ty cổ phần Xây dựng và giao thông Bình Dương (BCE), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC).
Điều đáng nói là cổ phiếu của cả ba công ty này đều đang được giao dịch ở mức giá rất “bèo”. TDC và IJC xoay quanh giá 8.000 đồng/cổ phiếu, còn BCE chỉ đang ở mức hơn 5.000 đồng/cổ phiếu. Tình trạng này đã kéo dài vài năm nay trong lịch sử gần 10 năm lên niêm yết của các công ty này.
Được xem là những công ty tiềm năng với nhiều lợi thế khi có cổ đông lớn là Tổng công Becamex IDC, cả ba công ty khi mới niêm yết đều thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ khi niêm yết đến nay, cho dù các công ty này vẫn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, thực hiện các thủ tục công khai thông tin theo quy định, nhưng bản chất hoạt động về cơ bản không có gì thay đổi, phụ thuộc chính vào cổ đông lớn về mọi mặt.
Điểm chung của cả hai công ty TDC và IJC là đều có hoạt động đầu tư và kinh bất động sản. Thực hiện chiến lược của công ty mẹ, hai công ty này đều sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để tích lũy quỹ đất. IJC có hoạt động thu phí giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng, còn TDC có hoạt động cung cấp bê tông tươi tạo ra lợi nhuận đủ để vận hành hoạt động Công ty. Còn mảng bất động sản, mảng mà nhà đầu tư kỳ vọng nhất với quỹ đất lớn giá rẻ, lại được cơ cấu phát triển từ từ đủ đem lại mức lợi nhuận vừa đủ theo kế hoạch mà công ty mẹ đặt ra. Việc này đã kéo dài ít nhất ba năm nay kể từ sau khi thị trường bất động sản Bình Dương tạo đáy đi lên sau chu kỳ khủng hoảng giảm giá. Nhưng trái với diễn biến giá đất tăng phi mã ở Bình Dương, cổ phiếu TDC và IJC- hai doanh nghiệp sở hữu nhiều quỹ đất ở Bình Dương vẫn nguội lạnh, quanh quẩn dưới thị giá.
Để “xoa dịu” các cổ đông nắm giữ cổ phiếu, hàng năm, TDC và IJC sau khi lo nguồn tài chính trả lãi cho khoản vay vốn gấp nhiều lần vốn điều lệ đã chi trả cổ tức tỷ lệ trên 10%, mỗi năm tăng được 1 - 2 phần trăm cổ tức. Nếu xét trên thị giá 8.000 đồng/cổ phiếu thì mức cổ tức này tương đương lãi suất hơn 12,5%/năm.
TDC và IJC trở thành địa chỉ đầu tư thay thế gửi tiền ngân hàng cho những nhà đầu tư có khẩu vị an toàn. Trong khi hai công ty này vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận từ 100 - 200 tỷ đồng/năm thì BCE không may mắn bằng khi giá cổ phiếu hiện chỉ hơn 5.000 đồng/cổ phần do lợi nhuận chỉ có 17 tỷ đồng trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Câu hỏi mà các nhà đầu tư đặt ra là Tổng công ty Becamex IDC có chiến lược gì cho sự phát triển của các công ty con này? Chiến lược này có tầm nhìn bao nhiêu năm thì nhà đầu tư có thể nhìn thấy giá trị quỹ đất được tích lũy phản ánh vào giá cổ phiếu? Hay nhà đầu tư chấp nhận cuộc chơi mà Becamex là người dẫn dắt, theo đó mục tiêu kinh tế - chính trị của tỉnh Bình Dương là phát triển Thành phố Mới Bình Dương được ưu tiên chủ đạo, còn cổ đông nhỏ bị lép vế hoàn toàn.
Ngay cả Becamex IDC thực hiện IPO vào năm 2017 trong bối cảnh các cuộc IPO doanh nghiệp nhà nước đều thành công rực rỡ, cũng chỉ như... "pháo xịt". Mà lý do chính là do thiếu thông tin về doanh nghiệp. Việc này phản ánh ý chí của Bình Dương trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Theo các chuyên gia, đã đến thời điểm Becamex IDC nên tái cơ cấu hoạt động của Tập đoàn, sắp xếp lại các công ty thành viên có lĩnh vực kinh doanh na ná nhau. Từ đó, có chiến lược phát triển riêng cho từng công ty theo đúng cơ chế thị trường để đồng vốn cổ đông được phát huy hiệu quả, thay vì đóng khung các doanh nghiệp đã niêm yết như hiện nay.