Doanh nghiệp bỏ quên thương mại dịch vụ trong Hiệp định CPTPP?
Trong Hiệp định CPTPP và các FTA mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp, bộ, ngành thường chú ý đến thương mại hàng hóa mà bỏ qua thương mại dịch vụ, đầu tư.
Thương mại dịch vụ ít được quan tâm?
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, Vương quốc Anh là đối tác quan trọng của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) có hiệu lực, quan hệ thương mại đầu tư giữa hai bên đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Và con số này cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn nữa, nhất là khi Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Vụ trưởng Lương Hoàng Thái, trong CPTPP, thương mại, dịch vụ và đầu tư là lĩnh vực thế mạnh của Vương quốc Anh và là lĩnh vực mang tính bổ sung với Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, trong CPTPP và các hiệp định thương mại do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp, bộ, ngành thường chú ý đến thương mại hàng hóa mà bỏ qua chương thương mại dịch vụ - lĩnh vực rất tiềm năng, quan trọng để góp phần đưa đất nước phát triển, đạt mục tiêu đến năm 2045.

Thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng và được các nước thành viên trong CPTPP đẩy mạnh phát triển. Ảnh minh họa
Trong Chương thương mại dịch vụ của Hiệp định CPTPP, thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng và được các nước thành viên trong CPTPP đẩy mạnh phát triển, Việt Nam cũng đang có tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
“Hiện nay, nhiều quốc gia thành viên trong CPTPP đang hướng tới đàm phán các quy tắc mới, thống nhất nâng cấp Chương thương mại điện tử, dù đây là chương có những điều khoản, cam kết cao, chặt chẽ nhất trong hiệp định” - ông Lương Hoàng Thái thông tin.
Làm rõ hơn về hợp tác thương mại dịch vụ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh khi quốc gia này gia nhập Hiệp định CPTPP, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - phân tích, Vương quốc Anh là cường quốc xuất khẩu lớn về dịch vụ. Theo số liệu, năm 2023, trị giá xuất khẩu của Vương quốc Anh trong lĩnh vực này đạt khoảng 470 tỷ Bảng, cao hơn xuất khẩu hàng hóa (377 tỷ Bảng).
Trong số các dịch vụ mà Vương quốc Anh xuất khẩu, có 3 dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn bao gồm: Dịch vụ kinh doanh (dịch vụ tư vấn, dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, dịch vụ pháp lý, dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh..); dịch vụ tài chính và dịch vụ du lịch.
Về phía Việt Nam, thời gian qua, chúng ta có tăng trưởng xuất khẩu rất tốt, thặng dư thương mại cũng tương đối đối tốt. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một nước nhập khẩu ròng về dịch vụ. Số liệu năm 2023 cho thấy, Việt Nam nhập khẩu khoảng 290 tỷ USD, trong đó về dịch vụ, các dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất như: Dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác...
Từ số liệu và những phân tích trên, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, Vương quốc Anh là cường quốc xuất khẩu thương mại dịch vụ, trong khi đó, Việt Nam là nước nhập khẩu dịch vụ, tuy nhiên, số liệu trao đổi thương mại dịch vụ giữa hai quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và thấp hơn nhiều so với số liệu trao đổi thương mại hàng hóa.

Thương mại dịch vụ và đầu tư là lĩnh vực còn nhiều dư địa để Việt Nam - Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác, nhất là khi Anh gia nhập CPTPP. Ảnh: Tùng Sơn
“Việt Nam và Vương quốc Anh có UKVFTA và giờ đây có thêm cả CPTPP, đây là cơ hội rất lớn để hai bên mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực còn dư địa, trong đó có lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư” - ông Ngô Chung Khanh nhận định và cho biết thêm, Hiệp định UKVFTA và CPTPP có mức độ cam kết thuế quan cao nhất mà Việt Nam đưa ra và cả 2 hiệp định này có những cách tiếp cận khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau.
Trong CPTPP là cách tiếp cận “chọn bỏ”, minh bạch, rõ ràng, có tự do hóa rất mạnh trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, đầu tư và cả dịch vụ. Còn với UKVFTA dùng cách tiếp cận “chọn cho” đi sâu vào những cam kết mà Vương quốc Anh có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu. Nếu kết hợp cả hai hiệp định này, các nhà cung cấp dịch vụ của Vương quốc Anh và Việt Nam đều có một cơ hội rất lớn để hợp tác, phát triển sang nhau.
Làm gì để thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư Việt Nam - Anh?
“Cơ hội vẫn còn đó, quan trọng chúng ta làm gì, cần làm gì để biến cơ hội thành hiện thực?” - ông Ngô Chung Khanh nêu vấn đề và cho rằng, mấu chốt là thấu hiểu thị trường. Doanh nghiệp Vương quốc Anh phải quan tâm đến thị trường Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng cần quan tâm đến thị trường Anh, từ đó điều chỉnh lại chiến lược phát triển, cả hai quốc gia cùng xác định là những thị trường chiến lược của nhau.
Thứ hai, phải hiểu và nắm rõ các cam kết. Muốn tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thì phải hiểu rõ, không chỉ hiểu về mức độ cam kết mà cần hiểu một cách tổng thể để từ đó lựa chọn những điều khoản, những quy tắc có lợi nhất.
Thứ ba, lĩnh vực dịch vụ không nên tách rời lĩnh vực hàng hóa. Đây là hai lĩnh vực bổ trợ cho nhau.
Thứ tư, tăng cường hợp tác và kết nối. Kết nối tất cả các chủ thể liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, từ nhà nông, địa phương, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu... không chỉ kết nối về thương mại hàng hóa mà còn kết nối cả thương mại dịch vụ. Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Đề án Hệ sinh thái kết nối các chủ thể tham gia các FTA.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá để doanh nghiệp, người tiêu dùng hai nước biết đến các chương trình thương mại dịch vụ của nhau, từ đó gia tăng cơ hội giao thương, hợp tác.
Không chỉ thương mại mà lĩnh vực đầu tư cũng đang bị bỏ ngỏ trong CPTPP. Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam mới chỉ có 15 dự án đầu tư sang Anh, với tổng số vốn khoảng 37 triệu USD, đây là số liệu hạn chế khi dư địa hợp tác còn rất lớn.
"Hiện nay, chính sách pháp luật của Việt Nam về đầu tư, đất đai... đã được cởi mở hơn, giúp các doanh nghiệp Vương quốc Anh tự tin đến đầu tư mở rộng kinh doanh, từ đó tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Vương quốc Anh" - luật sư Đào Văn Hưng - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và Phát triển doanh nghiệp thông tin.
Năm 2024, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023. Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu.