Sầu riêng rớt giá kỷ lục, chỉ còn vài chục nghìn đồng/kg
Sầu riêng trái vụ tại các vườn miền Tây những ngày gần đây giảm giá kỷ lục tới 60 - 70%. Hiện, mỗi cân sầu riêng chỉ vài chục nghìn đồng.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam hiện vẫn là Trung Quốc, nhưng chính sách kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn đã làm chậm tiến độ xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, sầu riêng trái vụ tại các vườn miền Tây giảm giá khoảng 60 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, giá sầu riêng chỉ còn vài chục nghìn đồng một kg.
Cụ thể, sầu riêng Monthong Thái loại A (2,7 hộc, 2-5 kg) có giá 100.000 đồng mỗi kg, loại B (2,5 hộc) còn 80.000 đồng. Giá sầu riêng Ri 6 loại A dao động 67.000 đồng, loại B là 47.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá đã giảm 60-70%.

Sầu riêng gặp khó trong xuất khẩu, giá sầu riêng chỉ còn vài chục nghìn đồng một kg.
Nguyên nhân giá sầu riêng giảm do các quy định kiểm định mới từ các nước nhập khẩu khiến việc xuất khẩu bị chững lại. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của nước ta, chiếm trên 90% tổng kim ngạch nên khi thị trường này chững lại như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khác của ngành hàng sầu riêng là việc phát triển nóng. Theo dự kiến đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000 ha sầu riêng. Thế nhưng, đến nay con số đã vượt 155.000 ha, nghĩa là hơn cả gấp đôi so với quy hoạch.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vina Fruit) Đặng Phúc Nguyên cho biết, sầu riêng hiện là loại trái cây xuất khẩu chủ lực của ngành hàng rau quả với thị trường trọng điểm là Trung Quốc. Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 4% về trị giá so với năm 2023.
Về cơ cấu nguồn cung, năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan đạt 809.880 tấn, trị giá hơn 4 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với năm 2023. Ngược lại, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 49,4% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2023, đạt 736.720 tấn, trị giá 2,94 tỷ USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục điều chỉnh tiêu chuẩn xuất khẩu đối với sầu riêng. Cuối năm 2024, đầu năm 2025, Trung Quốc bắt đầu kiểm nghiệm chất cấm auramine O (hay còn gọi là chất vàng O) trên sầu riêng, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không kịp xoay xở dẫn đến tình trạng một số container sầu riêng bị trả về. Trước đó, Trung Quốc cũng đã yêu cầu kiểm dịch đối với chất cadimi trên sầu riêng xuất khẩu. Như vậy, ngoài các yêu cầu về chất lượng theo Nghị định thư đã ký kết, hằng năm thị trường này có thể bổ sung các yêu cầu mới về kiểm dịch thực vật, thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật và thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh - Nông Quang Hưng cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, chỉ có 6 doanh nghiệp mở 17 bộ tờ khai (tương ứng với 17 xe hàng) xuất khẩu sầu riêng qua đây với kim ngạch trị giá hơn 1,2 triệu USD.
Mặc dù vậy, 17 chiếc xe chở sầu riêng này đã không đáp ứng đủ các quy định của phía Trung Quốc nên đã phải "quay đầu", doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu lại về Việt Nam.
Còn tại cửa khẩu Hữu Nghị, từ đầu tháng 2/2025 đến nay đã có 25 xe hàng chở sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tuy nhiên số lượng này chỉ bằng 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, đối với sầu riêng đông lạnh, từ tháng 8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, thực trạng này bộc lộ những vấn đề nội tại của ngành hàng tỷ đô này: Thiếu liên kết và thiếu tuân thủ các qui định về qui trình canh tác, chất lượng sản phẩm... Do đó, đã đến lúc cần siết chặt việc quản lý chất lượng sầu riêng từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến tiêu thụ để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Với bà con nông dân, đây là lúc nhìn lại và điều chỉnh sản xuất từ chính mảnh vườn nhà.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 2 ước đạt 303 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm.
Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2025 đạt gần 677 triệu USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân do xuất khẩu sầu riêng sụt giảm khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đã ảnh hưởng đến ngành hàng rau quả Việt Nam.