Doanh nghiệp bố trí làm thêm giờ phải có sự chấp thuận của người lao động

Trước những lo ngại rằng người lao động sau khi mắc COVID-19 bị ảnh hưởng đến sức khỏe, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện một loạt giải pháp đi kèm khi tổ chức làm thêm giờ như: phải được sự đồng ý của người lao động, chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động, khám sức khỏe sau hậu COVID-19...

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành văn bản hướng dẫn Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố phối hợp Liên đoàn Lao động cấp tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động. Ngoài ra, tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022.

Đặc biệt, khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm; thông báo khi tổ chức làm thêm trên 200 giờ trong 01 năm;...).

Để đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp phải thực hiện một loạt giải pháp đi kèm khi tổ chức làm thêm giờ như chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động, khám sức khỏe sau hậu COVID-19... Ảnh minh họa

Để đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp phải thực hiện một loạt giải pháp đi kèm khi tổ chức làm thêm giờ như chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động, khám sức khỏe sau hậu COVID-19... Ảnh minh họa

Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 01 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở LĐTBXH theo quy định tại khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở LĐ-TB&XH. Các quy định của Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), việc nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp.

Trước những lo ngại rằng người lao động sau khi mắc COVID-19 bị ảnh hưởng đến sức khỏe, ông Thắng cho biết, để đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp phải thực hiện một loạt giải pháp đi kèm khi tổ chức làm thêm giờ như chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động, khám sức khỏe sau hậu COVID-19... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường giám sát thanh tra, kiểm tra.

Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ chỉ là giải pháp tình thế, trong thời gian ngắn. Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì sẽ quay lại quy định theo Bộ luật Lao động. Mục tiêu lâu dài là doanh nghiệp phải ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, tăng lương giảm giờ làm. Việc nới trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp đáp ứng yêu cầu phục hồi cho doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

"Quy định chỉ là trần tối đa về thời giờ làm thêm, không bắt buộc và muốn tổ chức làm thêm giờ thì chủ sử dụng phải có sự chấp thuận của người lao động," Cục trưởng An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Xem thêm video:

ĐV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//doanh-nghiep-bo-tri-lam-them-gio-phai-co-su-chap-thuan-cua-nguoi-lao-dong-169220429160009178.htm