Doanh nghiệp bứt tốc nhờ giảm thủ tục hành chính

'Việt Nam đang thực hiện trước thời hạn các cam kết tạo thuận lợi thương mại', đó là khẳng định mới đây của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ khi khảo sát về hiệu quả cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Vào thời điểm năm 2015, cả nước có gần 83.000 mặt hàng thuộc diện bị kiểm tra chuyên ngành, 100% lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra trước khi thông quan. Chưa kể, do có sự chồng chéo giữa các bộ ngành, cơ quan chức năng, nên tình trạng doanh nghiệp bị “nhũng nhiễu” khá phổ biến, phát sinh nhiều chi phí không chính thức và thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.

Ngày 12-3-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP, tiếp đó là Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10-1-2022. Theo đó, các bộ ngành liên quan phải rà soát, giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm bị quản lý, kiểm tra chuyên ngành với mã số hồ sơ đạt cấp độ chi tiết nhất. Mặt khác, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành phải giảm xuống còn 10%. Cùng với đó, phương pháp quản lý được thay đổi theo hướng ứng dụng thủ tục hải quan điện tử, thực hiện quản lý rủi ro và chuyển sang tăng cường khâu hậu kiểm…

Kết quả cho thấy, những giải pháp trên đã tạo ra bước ngoặt bản lề trong hoạt động xuất nhập khẩu. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm xuống còn 19% so với trước năm 2015, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thuận lợi giao thương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, tạo sức bật cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ứng với thực tế là những con số biết nói: Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 đạt 673,82 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước!

Việc tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu nhờ chấn chỉnh một cách hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, ứng dụng thủ tục hải quan điện tử, đã góp phần tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, tận dụng tốt hơn lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đem lại.

Thành quả cải cách thủ tục hành chính đã thấy rõ, nhưng để môi trường kinh doanh thông thoáng, tiếp sức vượt khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, phải tiếp tục rà soát để loại bỏ, kết hợp ngăn ngừa ban hành những quy định bất hợp lý. Trong đó, việc cần triển khai gấp là áp dụng đồng bộ thủ tục hải quan điện tử, xóa bỏ tình trạng vừa phải làm thủ công vừa làm điện tử như hiện nay. Về lâu dài, cần thiết xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến, cho phép đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực công - tư về đào tạo hải quan và thương mại. Đây là cơ sở để củng cố năng lực cho cán bộ, công chức ngành hải quan, tạo nền tảng, động lực chính cho cải cách và hiện đại hóa ngành hải quan. Bên cạnh thay đổi về thủ tục hành chính, các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại hàng tháng hoặc hàng quý với các doanh nghiệp, nhờ đó ghi nhận kịp thời để những vướng mắc, hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người dân mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong khu vực và trên thế giới, mang lại sự thịnh vượng ngày càng lớn hơn cho chúng ta.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//doanh-nghiep-but-toc-nho-giam-thu-tuc-hanh-chinh-863304.html