Doanh nghiệp cần chính sách ổn định, để không phải quay lại điểm xuất phát
Doanh nghiệp cần sự ổn định của chính sách nên họ sợ nhất khi vừa dồn lực đầu tư chính sách lại thay đổi, khiến họ phải quay lại điểm xuất phát.
Quan điểm này được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ đưa ra khi thảo luận về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại hội trường sáng 16/5.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay phải đối mặt với rất nhiều điểm nghẽn và phải tháo gỡ mới phát triển được.
“Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là đột phá mà còn tạo động lực thúc đẩy khơi thông nguồn lực nội tại, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới. Do vậy, tôi kỳ vọng nghị quyết này như một luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân bay xa", ông Hạ nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ. (Ảnh: Media Quốc hội).
Tuy nhiên, đại biểu Hạ cho rằng, có những quy định không cần đưa vào dự thảo nghị quyết vì đã có quy định của pháp luật. Ví dụ việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội đã được nêu rõ trong Hiến pháp.
“Đây không phải cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy cần bổ sung nội dung hỗ trợ về chính sách thương mại và hội nhập quốc tế, vì hiện nay doanh nghiệp rất khó đưa sản phẩm ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như hỗ trợ về tư pháp, và mỗi khi tranh chấp thương mại với nước ngoài, Việt Nam luôn chịu thua thiệt.
Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất khó khăn nhưng chính sách thay đổi liên tục. Doanh nghiệp sợ nhất vừa dồn lực đầu tư chính sách lại thay đổi khiến họ phải quay lại điểm xuất phát", đại biểu Hạ nêu thực tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: Media Quốc hội).
"Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước đang tăng tốc phát triển bước vào kỷ nguyên mới. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách Nhà nước nên cần nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ để phát huy vai trò là động lực quan trọng nhất vào năm 2030", ông Ngân nhấn mạnh.
Dự thảo nghị quyết nêu mục tiêu đến năm 2030 đạt có 2 triệu doanh nghiệp, ông Ngân cho rằng để đạt mục tiêu này phải có giải pháp đặc biệt. Theo ông, hiện nay mỗi năm chỉ tăng khoảng 30.000 - 40.000 doanh nghiệp nên để sau 5 năm nữa đạt con số 2 triệu doanh nghiệp, phải có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp.
Đi kèm với đó, theo đại biểu, cần nâng cao, mở rộng những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ việc phân định trách nhiệm pháp nhân và cá nhân, trách nhiệm hình sự và dân sự, hành chính. Ông Ngân đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan như Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự để luật hóa định hướng trên, vì đây là những nội dung quan trọng đội ngũ doanh nhân rất quan tâm.
Góp ý về chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, ông Ngân đề xuất bổ sung nội dung những địa phương có đất đai, có tiềm năng, thế mạnh thì tạo cơ chế thành lập khu công nghiệp để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê với chính sách hỗ trợ.
"Chúng ta muốn độc lập tự chủ về kinh tế thì khu vực tư nhân phải lớn mạnh, nên cần điều khoản khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho khu vực kinh tế tư nhân", ông Ngân nhấn mạnh.
Tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết ông đồng tình với các nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép quy định tại dự thảo.
Tuy nhiên, ông đề xuất tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại trong tố tụng hình sự. “Chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam”- ông Đồng nhấn mạnh và cho hay trên thực tế, rất nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh.
“Việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến cả một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế”- ông Hà Sỹ Đồng nói thêm.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng.
Liên quan đến việc giải quyết phá sản - tranh chấp, đại biểu đoàn Quảng Trị đồng ý với dự thảo quy định giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn và đề nghị mở rộng (hoặc bổ sung thêm một điều nữa) về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
Theo ông, giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại đang là nút thắt đối với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển.
Ông Hà Sỹ Đồng cũng góp ý vào một số nội dung cụ thể, như cần bảo đảm tuân thủ đúng về thời hạn tố tụng khi thụ lý, xét xử và thi hành án các vụ việc kinh doanh thương mại.
“Việc chậm trễ, kéo dài thời gian xử lý vụ án, kéo dài thời gian thi hành án kinh doanh thương mại là tiêu chí để kỷ luật cán bộ”, ông nói và cho biết đây là vấn đề doanh nghiệp rất bức xúc vì thời gian xử lý vụ án kinh doanh thương mại kéo quá dài.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại tố cáo và vụ án hành chính, đại biểu đánh giá một vấn đề lớn hiện nay là doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan nhà nước, khi cơ quan nhà nước làm sai. Theo ông, điều này không chỉ khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại mà còn khiến kỷ luật kỷ cương của nhà nước bị xâm phạm nghiêm trọng và kéo dài.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần do doanh nghiệp sợ bị trù dập, nhưng một phần do họ biết có đi kiện cũng sẽ thua.
“Tôi không có con số cụ thể, nhưng theo tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý thì những trường hợp doanh nghiệp kiện chính quyền mà thắng là vô cùng hiếm. Nguyên nhân một phần là do tòa án tỉnh, tòa án huyện lại xét xử chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện của chính tỉnh đó huyện đó”, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng điều này không bảo đảm sự độc lập khách quan.
“Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về tố tụng hành chính, cho phép doanh nghiệp khởi kiện các hành vi hành chính, quyết định hành chính của chính quyền tỉnh, huyện tại tòa án nơi khác”, ông Đồng nói và đề xuất trước mắt có thể cho phép khởi kiện tại tỉnh của nguyên đơn hoặc tỉnh bên cạnh.