Doanh nghiệp cần gì để sản xuất an toàn?
Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã chủ động điều chỉnh cách thức sản xuất để phù hợp bối cảnh mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và cơ quan chức năng.
Tại tọa đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” sáng 13/11, PGS TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết đến nay, 88 dự án trong Khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục toàn bộ hoạt động.
Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đã có 1.408/1.412 doanh nghiệp hoạt động với số lao động lên đến hơn 280.000 người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ Mỹ, châu Âu...
Doanh nghiệp chủ động thích ứng
PGS TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận khi Covid-19 mới xuất hiện, các doanh nghiệp có phần lúng túng, sau đó đã tìm ra hướng thích ứng. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có định hướng, chính sách ổn định để doanh nghiệp tự tin sản xuất, kinh doanh.
Nhớ lại những ngày đầu biết đến SARS-CoV-2, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp khi đó trở tay không kịp, vì chưa bao giờ xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro về dịch bệnh.
Tuy nhiên, trải qua các làn sóng Covid-19, doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy trình về sức khỏe và xây dựng lực lượng y tế ngay tại cơ sở sản xuất. Ông cho biết hiện 70% doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ làm xét nghiệm, đo SPO2, nhận diện F0 trong cộng đồng...
Qua đợt dịch này các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc, và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực thay đổi cách thức làm việc, như với khối văn phòng thì chuyển các cuộc họp sang trực tuyến hoặc họp nhanh, họp ít người, còn ở nhà xưởng thì đặt vấn đề thông gió lên hàng đầu.
Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng chấp nhận đầu tư chi phí cao để thiết kế lại dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo giãn cách và quan tâm nhiều hơn đến chỗ ở, khu nhà trọ của công nhân.
"Qua đợt dịch này các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc", ông Trần Việt Anh nói.
Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng giám đốc Galaxy One (Sovico Group), thì nhấn mạnh đến chuyển đổi số trong các doanh nghiệp sau Covid-19. Theo bà, công nghệ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất mà còn giúp họ đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu của bà Cẩm Linh khiến PGS TS Trần Hoàng Ngân nhớ lại thời điểm đầu năm khi Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, kinh tế số đem về 20% GDP cả nước, riêng TP.HCM đề ra tỷ lệ 25%.
"Khi đó tôi nghĩ những con số này khó đạt được, nhưng đại dịch đã gây áp lực, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số", ông nói.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Hoàng Ngân, việc đầu tư cho chuyển đổi số rất tốn kém, do đó doanh nghiệp cần có gói hỗ trợ thực tế từ Chính phủ.
Những hỗ trợ cần có từ Chính phủ
Nói về các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục miễn, giảm, giãn tiền thuế, nợ và hỗ trợ lãi suất tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, ông đề xuất Chính phủ tăng gói đầu tư công để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí logistics. Trong khi đó, gói hỗ trợ thu nhập cho người dân sẽ góp phần tăng tổng cầu, từ đó doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm trong quá trình phục hồi.
Từ phía doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh đề xuất Chính phủ có kế hoạch di dời tất cả nhà máy đang lẫn trong khu dân cư.
"Có những nhà máy đã xây dựng hơn 20 năm, không phân biệt được đâu là khu công nghiệp, đâu là khu dân cư, rồi từ nhà máy sẽ phát sinh các khu nhà trọ. Đây là những nơi phát sinh nhiều ổ dịch trong thời gian qua. Cần có quy định để tách nhà máy khỏi khu dân cư như nhiều quốc gia khác đang làm", Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ.
Là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp và sâu sát với người lao động, ông Trần Việt Anh cũng kiến nghị bổ sung chế độ hỗ trợ cho người lao động ở vùng đỏ, vùng cam, và bổ sung quy định cho đối tượng lao động làm việc tại nhà để đảm bảo quyền lợi cho họ.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đến công nhân đều bị ám ảnh tâm lý và hoang mang, vai trò của bác sĩ tâm lý cũng cần được đề chú trọng bên cạnh yếu tố thể chất, thuốc men phòng và điều trị Covid-19.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-can-gi-de-san-xuat-an-toan-post1283057.html