Doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất từ việc tận dụng lợi thế từ FTA
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, từ việc tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp (DN) cần lưu tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa...
Hàng rào mới
Năm 2022, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6%, nhập khẩu đạt 360,7 tỷ USD, tăng 8,4%. Và cán cân thương mại hàng hóa đạt 11,2 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế. Đây được đánh giá là một điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.
Đánh giá về yếu tố thuận lợi và khó khăn tác động đến hoạt động XNK Việt Nam năm 2023, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, XNK có vai trò lớn trong nền kinh tế vĩ mô nói chung. Với kinh tế vĩ mô năm 2023, vấn đề lớn nhất là suy thoái và lạm phát do tác động từ cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, gây suy giảm nhu cầu. Đặc biệt là nhu cầu từ các thị trường lớn như EU và Mỹ - những khu vực đang thu hút xuất khẩu của Việt Nam. Đây là khó khăn lớn nhất, đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay của Việt Nam.
Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đang bị chệch hướng trong những năm gần đây, thể hiện ở các biện pháp mà các quốc gia đang áp dụng nhiều khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng. Từ việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cho đến cạnh tranh trong chiến tranh thương mại giữa các nước. Và gần đây nhất vấn đề môi trường nổi lên rất nhiều. Sắp tới EU có thể áp dụng thuế carbon, thuế môi trường đối với xuất khẩu.
"Dự kiến đây là hàng rào mới. Dù lý do để áp dụng thì rất hợp lý nhưng chúng tôi đánh giá điều này tác động lớn đến thương mại. Vì hiện chúng ta chưa lường được thuế suất đánh vào từng mặt hàng như thế nào? Về nguyên tắc, mặt hàng nào dùng nhiều năng lượng, nhiều phát thải mà không có bù đắp tương xứng thì sẽ bị đánh thuế nhiều hơn. Ví dụ mặt hàng thép là sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng rất có thể sẽ bị đánh thuế ở mức cao. Những yếu tố này sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian sắp tới", ông Trần Thanh Hải nói.
Doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA
Về thuận lợi, theo Phó Cục trưởng Cục XNK, việc Việt Nam tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và gần đây nhất là RCEP, là thuận lợi lớn đối với xuất khẩu.
Việc làm quen với tiến trình hội nhập cũng như đối mặt với những thách thức từ quá trình hội nhập, ví dụ các vụ kiện về phòng vệ thương mại, giúp các DN tích lũy kinh nghiệm và là yếu tố thuận lợi cho hoạt động XNK.
Thứ hai, Việt Nam vẫn tiếp tục có nguồn đầu tư để thúc đẩy sản xuất. Hiện đầu tư nước ngoài vẫn là nguồn đầu tư quan trọng củ Việt Nam. Với đầu tư trong nước, mặc dù có những khó khăn, nhưng về cơ bản các DN vẫn có niềm tin để có thể mở rộng sản xuất, qua đó đóng góp cho hoạt động xuất khẩu.
Thứ ba, là kinh nghiệm. 3 năm phải đối mặt với vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng đã giúp chúng ta có kinh nghiệm xử lý. Bối cảnh năm 2023 không chỉ là dịch bệnh như 2 năm trước đây mà có những vấn đề liên quan đến suy thoái, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, hậu quả giống nhau là suy giảm nhu cầu, đứt gãy nguồn cung ở một số thời điểm. Các DN đã và đang phải tập làm quen với vấn đề này.
Cần sự chuyển đổi từ phía doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng được lợi thế của các FTA là vấn đề lớn nhất. Với 15 FTA Việt Nam đã tham gia, và đặc biệt là những FTA thế hệ mới, các DN Việt Nam cần tận dụng tốt những thị trường lớn và lợi thế từ các FTA. Việc chúng ta có được xuất xứ hàng hóa phù hợp để có những ưu đãi thuế là tận dụng lớn nhất với DN.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị, đằng sau việc tận dụng đó, DN cần lưu tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.
"Đây có thể là điều mà không phải tất cả các DN đều nhận thấy. DN chỉ nghĩ rằng có được giấy chứng nhận xuất xứ là được hưởng ưu đãi. Mong muốn lớn nhất của Bộ Công Thương là từ việc tận dụng lợi thế từ FTA, các DN phải tái cơ cấu và tìm ra phương thức và nguồn nguyên liệu hợp lý, trong đó thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa bên cạnh việc DN phối hợp với các đối tác trong khu vực thương mại tự do để sản xuất hàng hóa có xuất xứ phù hợp", ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Ngoài ra, trong hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương mong muốn DN thúc đẩy sử dụng các kênh thương mại như thương mại điện tử. Qua 2 năm đại dịch COVID-19, kênh thương mại điện tử đã có sự bùng nổ, qua đó tạo đà để DN có thể nắm bắt tốt trong thời gian tới.
Cùng đó là vai trò của các cơ quan thương vụ ở nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin về mặt thị trường cũng như hỗ trợ giải quyết các vấn đề khi DN xuất khẩu ra nước ngoài. Ví dụ vụ hạt điều ở Italia vừa qua là trường hợp điển hình.
"Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng DN trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta có quản lý hoạt động nhập khẩu phù hợp để đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu bày tỏ.