Kiểm toán nhà nước: Sẵn sàng ứng dụng AI
Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kiểm toán là xu thế tất yếu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị kiểm toán coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặt ngang với nhiệm vụ kiểm toán, từ đó chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai hiệu quả.

Sẵn sàng cho chuyển đổi số, ứng dụng AI trong hoạt động kiểm toán. Ảnh: ST
Ứng dụng công nghệ góp phần mang lại kết quả tích cực
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác với nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới, với nhiều phát hiện, kiến nghị góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, kết quả trên đến từ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt được triển khai trong toàn Ngành. Trong đó, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kiểm toán được xác định là một trong những giải pháp đột phá, góp phần đổi mới hoạt động kiểm toán và thích ứng với bối cảnh mới.
Các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực cần quan tâm việc ứng dụng CNTT, sắp xếp, bố trí nhân lực phải đảm bảo vừa hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán 6 tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch kiểm toán cho năm 2026; đồng thời phải đặt ngang nhiệm vụ ứng dụng CNTT, đặc biệt là AI với nhiệm vụ kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Thực tế cho thấy, Tổng Kiểm toán nhà nước luôn quan tâm thúc đẩy ứng dụng CNTT, đặc biệt là AI vào hoạt động kiểm toán. KTNN đã triển khai một số phần mềm hỗ trợ và quản lý hoạt động như: Hệ thống tổng hợp kinh nghiệm kiểm toán thông qua khai thác báo cáo kiểm toán (BCKT), phục vụ tra cứu thông tin hỗ trợ kiểm toán viên khi đưa ra kiến nghị; Triển khai thí điểm “Ứng dụng AI trong tổng hợp kinh nghiệm kiểm toán thông qua khai thác BCKT” (đối với kiểm toán doanh nghiệp và ngân sách địa phương); “Ứng dụng AI trong lựa chọn đơn vị phục vụ lập kế hoạch kiểm toán năm” (đối với kiểm toán ngân sách địa phương); Tập huấn và chính thức áp dụng phân hệ theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của phần mềm Quản lý hoạt động kiểm toán; Triển khai Hệ thống tra cứu, khai thác văn bản trong toàn Ngành, chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 01/4/2025; Xây dựng giải pháp ký số trên nhật ký kiểm toán điện tử và giảm scan tài liệu...
Đáng chú ý, KTNN đã thí điểm phương án phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán như: Thu thập dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: cài đặt cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích và tổ chức phân quyền cho cá nhân tham gia; Thí điểm AI và phân tích dữ liệu tại các KTNN khu vực I, III, X, XII, XIII; Kiểm tra kết quả đánh giá của AI đối với các gói thầu số hóa tại KTNN khu vực III, VIII, X, XIII; Xây dựng thí điểm AI trong kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Theo Cục CNTT, đơn vị đã tìm kiếm hồ sơ trên hệ thống mua sắm công của 13 tỉnh và thí điểm phân tích 108 gói thầu. Đồng thời phối hợp sử dụng AI phân tích 14 gói thầu của 5 tỉnh. Kết quả bước đầu, AI đã phát hiện các nội dung liên quan đến vượt tiêu chuẩn định mức; thời gian thực hiện chưa phù hợp với khối lượng công việc; cùng một số lưu ý khác. Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức thí điểm AI trong kiểm soát chất lượng kiểm toán trên 2 bộ hồ sơ và phát hiện một số vấn đề hữu ích cho công tác kiểm toán của KTNN.
Chuẩn bị tốt mọi nguồn lực cho kiểm toán số
Được xem là giải pháp tối ưu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức kiểm toán, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là AI, còn giúp KTNN tái cấu trúc phương pháp kiểm toán, giảm tải công việc cho kiểm toán viên, qua đó nâng cao chất lượng kiểm toán.
Với ý nghĩa đó, KTNN đã ban hành công văn thí điểm ứng dụng AI trong kiểm toán; ban hành Quy chế phối hợp thí điểm ứng dụng AI trong hoạt động kiểm toán. Trong đó, lãnh đạo KTNN yêu cầu việc lựa chọn đơn vị được kiểm toán của từng cuộc kiểm toán phải bảo đảm nguyên tắc đạt được mục tiêu và đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Đối với cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành hoặc chuyên đề do nhiều đơn vị phối hợp thực hiện, KTNN yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, cách thức tổ chức kiểm toán, tổng hợp kết quả, xử lý kiến nghị và lập báo cáo kiểm toán.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là đơn vị kiểm toán, tập trung triển khai các Nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có Nghị quyết về tăng cường ứng dụng CNTT nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, các đơn vị cần bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, tập trung vào 2 nội dung lớn: Bảo đảm an ninh mạng và kết nối, tiến tới chuyển đổi số và ứng dụng AI trong kiểm toán.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục CNTT cho biết, đơn vị đang nghiên cứu tham mưu, đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét tháo gỡ một số vướng mắc về hạ tầng để thuận lợi cho việc ứng dụng AI. “Trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ triển khai một số công cụ AI chuyên ngành vào hoạt động kiểm toán. Đồng thời, Cục sẽ tập trung vào phần mềm hiện có, phấn đấu hoàn thành tích hợp toàn bộ, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh” - Phó Cục trưởng phụ trách Cục CNTT Phạm Huy Thông cho biết.
Xác định nguồn nhân lực CNTT đóng vai trò quyết định, Cục CNTT sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo cho KTNN chuyên ngành, khu vực; đồng thời đề xuất chính sách thu hút, bổ sung nhân lực CNTT trong bối cảnh nhiệm vụ ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao. Cục cũng đang lên kế hoạch nâng cấp độ an toàn thông tin của Ngành lên cấp độ 4, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2026 để thuận lợi cho kiểm toán số.
Nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán là xu thế tất yếu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu Cục CNTT khẩn trương lựa chọn nhân sự để tuyển dụng hoặc thuê chuyên gia, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong bối cảnh mới. Lưu ý bảo đảm an toàn thông tin là yêu cầu hàng đầu, Tổng Kiểm toán nhà nước giao Cục CNTT phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp, chuẩn bị tốt nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả nhất./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-san-sang-ung-dung-ai-41859.html