Doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả ưu đãi từ các FTA
Hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 hiệp định và 1 Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp như: khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì và phát triển các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam (CPTPP, EVFTA, UKVFTA); tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng (Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi).
Nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu các ngành hàng bằng việc triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào các ngành hàng chủ yếu: công nghiệp chế biến, chế tạo, nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Cung cấp thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu, tăng cường cập nhật, cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu và biến động chính sách tại các thị trường xuất khẩu cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường các nước tham gia các FTA với Việt Nam để doanh nghiệp kịp thời khai thác.
Tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác.
Hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp tại nước ngoài, chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.
Thanh Lâm