Doanh nghiệp chung tay phòng, chống Covid-19: Chủ động ứng phó
'Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển' - đó là chia sẻ đầy tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân (ngày 12/3) nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu. Không lơ là, chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang trong phòng, chống dịch; cùng với ứng phó với dịch Covid-19 cũng cần quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Điểm khác biệt trong phòng chống dịch Covid-9 lần này là sự phối hợp rất tốt của liên ngành, không chỉ một mình y tế chống dịch mà nhiều địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã cùng tham gia. Với sự nhập cuộc tích cực, các giải pháp đồng bộ cũng đã được đưa ra nhằm hạn chế tối đa tác động của đại dịch đã lan ra toàn cầu. Ngay ở địa phương, chiến lược "rà từng ngõ, gõ từng nhà" đã phát huy hiệu quả. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị cũng đã nhập cùng để phát hiện sớm những người mắc bệnh và cách ly điều trị kịp thời. Ngành công an, thông tin truyền thông xử lý kịp thời những thông tin gây hoang mang trong cộng đồng.
Trong khi đó, các ngành kinh tế, một bộ phận quan trọng của mỗi quốc gia cũng đã nhập cuộc. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Thị trường tiêu thụ bị co hẹp, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn... nguồn thu bị sụt giảm. Với các ngành sản xuất, khó bảo đảm công việc cho người lao động trong tháng 3 vì thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Các DN trong lĩnh vực dệt may, da giầy, hàng không, du lịch, vận tải… hơn lúc nào hết chịu những tác động to lớn của giảm cầu, nguồn cung giảm, nhiều ngành điêu đứng. Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn thu hút một nguồn vốn lớn trong năm 2019 nhưng từ đầu năm đến nay vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái…
Để hạn chế những hiệu ứng tiêu cực, một loạt các ngành kinh tế đã được triển khai. Cùng với những giải pháp kích cầu, bình ổn thị trường, ngân hàng cũng đã tiến hành các gói hỗ trợ DN về lãi suất, ngành thuế với việc giãn thuế cho một số ngành kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực. Những chính sách giải cứu đầu ra cho các sản phẩm trong nước, phát triển thị trường nội địa thay thế những thị trường quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, tận dụng các hiệp định kinh tế song phương… đã và đang quyết liệt được triển khai.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ, người dân, cộng đồng DN hiểu rõ, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chỉ được hạn chế khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Mỗi người dân đều hiểu rõ trách nhiệm của mình trước những khó khăn, thách thức chung.