Doanh nghiệp cơ khí 'loay hoay' mở rộng thị trường
Dù dư địa thị trường công nghiệp rất lớn nhưng việc đa dạng, mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn...
Khó tiếp cận thị trường
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương vụ với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2023 ngày 31/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian vừa qua, ngành cơ khí đã có mức tăng trưởng đáng mừng khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển. Qua đó, trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dù dư địa thị trường công nghiệp là rất lớn nhưng việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp (DN) trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài. Bản thân năng lực cạnh tranh của các DN trong nước chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu. Do đó, chưa được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Nói rõ hơn về những hạn chế của DN cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, các DN hoạt động chưa tốt.
Kỹ năng tìm kiếm khách hàng của DN Việt Nam qua hội chợ, triển lãm, tổ chức xúc tiến thương mại cũng như qua các hiệp hội, trang thương mại điện tử còn kém. Sự yếu kém thể hiện ở chỗ DN không có các mặt hàng truyền thống, rất khó để tiếp cận khách hàng. Các DN kinh doanh tốt rồi lại ngại thay đổi quy mô sản xuất, hạn chế trong việc ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh
Hiểu biết của DN Việt Nam về tập quán, thị trường còn rất kém, chưa kể là việc DN còn sợ rủi ro, nhất là với thị trường châu Phi. Trong khi đó, đây là thị trường tiềm năng để DN Việt Nam các sản phẩm chế biến nông nghiệp, máy biến áp.
“Do đó, DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan thương vụ trong việc tìm hiểu thị trường. DN mong muốn được tham gia các chương trình đào tạo về xúc tiến thương mại, chương trình giới thiệu sản phẩm của DN đến với thị trường sở tại.
Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan hỗ trợ DN tận dụng được lợi thế của các kênh thương mại điện tử, qua đó góp phần gia tăng lượng hàng hóa đến với khách hàng trong và ngoài nước”, ông Sáng đề xuất.
Khó cạnh tranh về giá
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ, trong những năm qua, các thương vụ đã hỗ trợ VASI và DN rất nhiều trong việc cung cấp thông tin và tiếp cận thị trường quốc tế.
Năm nay, thị trường suy giảm tương đối nhiều. Nhu cầu của khách hàng trong giảm trung bình 20% đơn hàng. Có những DN giảm tới 30 - 40%. Thị trường quốc tế cũng suy giảm dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm theo.
UAE là thị trường mới, được DN đánh giá là dễ làm do họ không yêu cầu tiêu chuẩn phức tạp như Bắc Mỹ hay châu Âu, giá lại tốt. Tuy vậy, vấn đề thanh toán rất khó khăn.
Trong khi đó, thị trường Mỹ dù nhu có cầu lớn nhưng đòi hỏi cao. Thị trường Trung Âu và Bắc Âu yêu cầu sản phẩm xuất khẩu rất khó, giá thành lại thấp.
Kỹ năng tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Do đó, các DN rất cần sự hỗ trợ từ thương vụ để có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác.
Theo bà Bình, hạn chế lớn nhất của DN sản xuất linh kiện, điện tử là giá cả khó cạnh tranh dù mấy năm gần đây đã tiến bộ hơn rất nhiều. Đã có nhiều bên hỗ trợ DN để hoàn thiện, tối ưu hóa sản xuất, nhưng những đơn hàng mới về thường gặp trở ngại về giá. Thêm vào đó, DN chưa làm được cụm linh kiện, mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất cụm rời.
Vì sản phẩm cơ khí rất đa dạng, nên DN của VASI rất mong muốn các thương vụ cung cấp thông tin về nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Có thể DN chưa cung cấp được ngay nhưng DN có thể nhận thấy nhu cầu của thị trường quốc tế đa dạng như thế nào.
Doanh nghiệp cần đầu tư thêm vào R&D
Tại hội nghị, đại diện một số thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại đã cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như những quy định, điều kiện của nước sở tại có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng cơ khí Việt Nam.
Đơn cử, với Nhật Bản - thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản hiện đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Dù có nhiều cơ hội, nhưng theo ông Minh, ngành cơ khí Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như thép và nhôm công nghệ cao… Đây là điểm yếu cho phát triển ngành.
Vì vậy, Thương vụ kiến nghị DN cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất để có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản. Qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, ông Phùng Văn Thành – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị, DN cần chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thị trường, marketing cụ thể.
Thương vụ sẽ thông tin về hội chợ triển lãm, tổ chức các đoàn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, hỗ trợ về pháp lý, xây dựng câu lạc bộ DN Việt Nam - Philippines để kết nối, giảm chi phí cần thiết cho DN xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York nhìn nhận, hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu các sản phẩm cơ khí sang thị trường Mỹ.
DN trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường. Có các chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tùy theo từng ngành, sản phẩm cụ thể. Thương vụ sẽ đồng hành, phối hợp với các DN đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm cơ khí tiếp cận thuận lợi thị trường này.