Doanh nghiệp có thương hiệu: Đừng bắt chúng tôi chịu trận hàng giả!
Đại diện doanh nghiệp chỉ ra nghịch lý: Đổ nhiều công sức xây dựng thương hiệu nhưng lại rơi vào thế bị động.
Tại tọa đàm '"Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp" sáng 10-7 do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, doanh nghiệp kiến nghị cần phân định lại trách nhiệm trong luật, nhà sản xuất phải lo chất lượng, còn doanh nghiệp thương hiệu chịu trách nhiệm phân phối.
Đó là một trong những ý kiến tâm huyết được ông Võ Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam, Chủ tịch Hội Quán Café Kết Nối Ngành Dược – CPI Center nêu ra. Ý kiến này đã nói lên trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình thế tương tự.
Nỗi niềm làm dâu trăm họ
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Quang Phúc vẽ nên một bức tranh đầy đủ về nghịch lý mà các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu (doanh nghiệp thương mại) đang đối mặt.
Ông cho biết, để một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải đổ vào đó nhiều năm trời với nguồn lực khổng lồ về tài chính, con người và tâm huyết. Đó là cả một quá trình gian nan để xây dựng hình ảnh, mạng lưới phân phối và quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.

Ông Võ Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam, Chủ tịch Hội Quán Café Kết Nối Ngành Dược – CPI Center. Ảnh: THUẬN VĂN
Thế nhưng, sau khi xây dựng được “lâu đài” thương hiệu, các doanh nghiệp này lại rơi vào thế bị động vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhà sản xuất.
“Chúng tôi luôn nỗ lực lựa chọn những nhà sản xuất uy tín với đầy đủ giấy tờ được cơ quan nhà nước cấp là đúng chuẩn. Thế nhưng, quá trình sản xuất sẽ trải qua rất nhiều khâu, từ nguyên liệu đầu vào đến công thức phối trộn đều có nguy cơ hàng giả mà thương nhân sở hữu thương hiệu không thể nắm hết được 100%” - ông Phúc trăn trở.
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp thương mại không thể giám sát trực tiếp những gì diễn ra bên trong nhà máy. Họ đặt hàng dựa trên hợp đồng và các chứng nhận nhưng không thể chắc chắn rằng nguyên liệu có bị đánh tráo hay công thức có bị thay đổi để giảm chi phí hay không. Chính kẽ hở này khiến doanh nghiệp phải chịu trận khi sản phẩm gặp vấn đề về chất lượng, dù lỗi không xuất phát từ phía họ.

Các đại biểu, khách mời trao đổi bên lề tọa đàm ngày 10-7. Ảnh: THUẬN VĂN
“Việc thương nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm luôn về chất lượng sản phẩm là không khách quan vì chúng tôi không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất” - ông Phúc khẳng định.
Không chỉ vậy, ông Phúc còn mở rộng khái niệm hàng giả, đôi khi một sản phẩm chính hãng nhưng chất lượng quá thấp so với công bố thì “chính sản phẩm đó cũng là giả”. Đây là một hình thức tự hủy hoại thương hiệu từ bên trong, bào mòn niềm tin của khách hàng một cách từ từ nhưng vô cùng nguy hiểm.
Cần luật sòng phẳng và sự chủ động từ doanh nghiệp
Từ những phân tích trên, ông Võ Quang Phúc đã thay mặt một nhóm doanh nghiệp thương mại đưa ra một kiến nghị cụ thể, cấp thiết nhằm thay đổi cục diện. Ông đề xuất cần đóng góp ý kiến này vào các dự thảo luật để phân định lại vai trò một cách rạch ròi, sòng phẳng.
Theo đó, đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng sản phẩm so với những gì đã công bố. Về phần mình, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động phân phối, quảng bá và các vấn đề sở hữu trí tuệ của hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh giải pháp về pháp lý, ông Phúc cho rằng cuộc chiến ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của tất cả mọi người, từ sự quyết liệt của cơ quan quản lý đến ý thức của người tiêu dùng. Đặc biệt, bản thân mỗi doanh nghiệp phải chủ động hành động, xuất phát từ cái tâm của người làm nghề.

Quang cảnh tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” sáng 10-7. Ảnh: THUẬN VĂN
Minh chứng cho sự chủ động này, ông Phúc chia sẻ về chính công ty của mình. Mekong Việt Nam đã tiên phong ký kết với VinaCHG để ứng dụng các giải pháp công nghệ chống hàng giả tiên tiến bằng tem nhãn và QR Code, giúp người tiêu dùng có thể tự mình kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Xa hơn nữa, để đảm bảo chất lượng từ gốc, công ty đã liên kết với Viện Khoa Học Công Nghệ Ứng Dụng Sài Gòn (SIAST) điều hành bởi TS Nguyễn Văn Hiếu, mời các chuyên gia hàng đầu của Viện như BS. CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, PGS-TS Kha Chấn Tuyền... làm cố vấn cao cấp, đảm bảo mỗi sản phẩm ra đời đều có chiều sâu nghiên cứu và chất lượng thật sự.
Tôi khuyến khích các doanh nghiệp nên ký kết hợp tác với các trung tâm kiểm nghiệm kiểm định uy tín như Trung tâm kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Quatest 3, Viện Pasteur... để đảm bảo xuyên suốt mỗi lô sản phẩm đều đạt chất lượng. Chúng ta phải tự cứu mình trước khi chờ đợi được giải cứu.