Doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng cao vào Nghị quyết 68-NQ/TW
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển đột phá dựa trên đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và công nghệ hiện đại.

Tọa đàm chuyên đề thảo luận Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Nhận diện điểm nghẽn
Lĩnh vực trung gian thanh toán từ năm 2008 đến nay đã chứng kiến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ. Nhưng đến nay, các quy định mới được ban hành liên quan đến việc cấp giấy phép cho các tổ chức trung gian thanh toán đã siết chặt hơn. Điều kiện bắt buộc là người đứng đầu các tổ chức này phải xuất thân từ ngành ngân hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù ngành này ban đầu được khởi tạo và phát triển bởi khu vực tư nhân, giờ đây lại phải "quy hàng" về điều kiện của ngân hàng. Đây là một biểu hiện rõ ràng của xu hướng chính sách mang tính bảo vệ nhóm ngành, thay vì khuyến khích đổi mới sáng tạo từ khu vực tư nhân.
Hay như thị trường fintech giai đoạn 2008-2009 còn khá lạ lẫm, mới mẻ, nhưng lãnh đạo lúc đó khá cởi mở, sẵn sàng cấp phép thử nghiệm. Rồi từ năm 2015, tư duy lại thay đổi hoàn toàn, bắt đầu siết chặt, phải có luật, phải ban hành nghị định, rồi mới cho thử nghiệm. Từ đó đặt ra nhu cầu xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox).
Đó là 2 ví dụ thực tế về chủ trương “trên tích cực, nhưng khi triển khai xuống dưới, chính sách bị bóp méo và làm khó doanh nghiệp” được ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech đưa ra.
“Mất 8 năm mới ban hành, start-up nào chờ nổi 8 năm? Đến khi sandbox chính thức ra đời thì hầu hết start-up tiên phong đã không còn tồn tại. Sandbox mà như thế thì không phải sandbox để đổi mới sáng tạo, mà chỉ là sandbox của riêng một ngành và start-up sẽ tiếp tục mất cơ hội”, ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Còn ông Lê Việt Thắng, CEO 1Office cho biết, chỉ riêng 1Office, mỗi năm, doanh thu tái ký đạt 60 - 70 tỷ đồng, nhưng chưa từng vay được đồng vốn ưu đãi nào từ ngân hàng. Trong khi đó, các tòa nhà bất động sản có doanh thu tương đương thì được vay rất dễ dàng. Điều đó cho thấy một sự bất công trong cơ chế tiếp cận vốn cho doanh nghiệp công nghệ.
Đánh giá về những thực tế trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, ví dụ rất thực tế, phản ánh rõ khoảng cách giữa tinh thần của nghị quyết và thực tiễn triển khai. Điều này cho thấy sự cần thiết phải cải thiện quy trình triển khai từ nghị quyết tới thực thi một cách hiệu quả và sát thực tiễn hơn.
Tuy nhiên, cần khẳng định Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước tiến lớn, nhất là về tư tưởng. Từ việc coi kinh tế tư nhân là một thành phần, rồi là một động lực quan trọng, đến nay đã được xác định là “động lực quan trọng nhất”. Đây là bước phát triển đáng kể trong tư duy, nhận thức và chính sách.
Nghị quyết 68-NQ/TW là một cánh cửa mở, nhưng muốn đi xa, thì cần người dám bước qua, dám chịu trách nhiệm và dám cùng nhau thực thi.
Theo ông Thành, nhóm chính sách hỗ trợ cần có phân tầng hỗ trợ cho các start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp tư nhân đầu đàn.
“Tôi nhấn mạnh rằng, nhóm doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt, có vai trò nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), luyện kim, năng lượng đang được đưa vào khung chính sách về công nghiệp nền tảng”, ông Thành nhấn mạnh. Cũng theo ông Thành, tinh thần đột phá không chỉ nằm ở ngôn từ hay chỉ đạo, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Nghị quyết 68-NQ/TW là một cánh cửa mở, nhưng muốn đi xa, thì cần người dám bước qua, dám chịu trách nhiệm và dám cùng nhau thực thi.
Doanh nghiệp kỳ vọng ở khâu thực thi
Hầu hết ý kiến đánh giá Nghị quyết 68-NQ/TW là nghị quyết “đột phá về tư tưởng, tư duy”, có tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu là việc thực thi nghị quyết này.
Bà Đặng Thị Hải Hà, nhà sáng lập WEATWORK.co và Respect Vietnam cho rằng, điều mà cả người dân lẫn doanh nghiệp quan tâm nhất với Nghị quyết 68-NQ/TW vẫn là khâu thực thi. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TW, cần xác lập rõ ràng tính ưu tiên trong các nhóm hành động. Cần một cơ chế minh bạch để doanh nghiệp thấy được mình nằm ở đâu trong chuỗi chính sách. Không chỉ là lời hiệu triệu từ các lãnh đạo, mà cả một hệ sinh thái cần được kích hoạt: các tổ chức trung gian, các hiệp hội, các nhóm chuyên gia… - tất cả phải vào cuộc.
“Tôi đề nghị tổ tư vấn có thể thiết lập một cơ chế tiếp nhận đề xuất từ cộng đồng, đặc biệt là từ những đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai hỗ trợ thực tế. Nếu không có kênh phản hồi hiệu quả, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ không đến được nơi cần đến. Tôi đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải thiện cơ chế thực thi hợp đồng - một điểm yếu lớn của hệ sinh thái doanh nghiệp hiện nay. Nếu không xử lý triệt để, thì dù có chính sách tốt đến đâu, kết quả cũng sẽ không thể đạt được như kỳ vọng”, bà Hà nói.
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới đề xuất có một cổng thông tin quốc gia, nơi tập hợp toàn bộ các cơ hội kinh doanh, đầu tư, dự án lớn... để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận một cách công bằng và minh bạch.
“Tôi đề xuất xây dựng một cơ chế hoặc nền tảng quốc gia - có thể gọi là một cổng thông tin công khai về cơ hội đầu tư và đấu thầu - để bảo đảm cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, có thể tiếp cận dễ dàng, minh bạch và công bằng các nguồn lực, dự án, cơ hội kinh doanh trong nước”, luật sư Thành đề xuất.
Ông Lê Việt Thắng thì cho rằng, cùng với việc Nhà nước cần làm gì, các doanh nghiệp cũng cần nhìn lại chính mình. Kinh tế tư nhân chưa lớn một phần cũng bởi lòng tham và khát vọng của doanh nhân Việt chưa đủ lớn. Chúng ta an toàn quá sớm. Nhiều người khi mới có chút tài sản đã chọn con đường an toàn như gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, mà quên mất sứ mệnh tạo ra giá trị thực từ sáng tạo, từ sản xuất.
“Tôi xin kiến nghị một cách thẳng thắn là, từ nghị quyết này, nếu có chính sách hỗ trợ, Chính phủ có thể trích một phần ngân sách để mua license phần mềm của các doanh nghiệp Việt để tặng lại cho doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi không ngại cạnh tranh với phần mềm nước ngoài. Tính năng không thua kém, giá cả hợp lý hơn và đặc biệt là đội ngũ hỗ trợ tại chỗ do người Việt làm cho người Việt”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, đừng rót vài chục tỷ đồng cho các chương trình đào tạo chung chung nữa, hãy chuyển phần đó thành ngân sách mua phần mềm Việt tặng doanh nghiệp, giúp họ quản trị tốt hơn, chuyển đổi số hiệu quả hơn.
Đánh giá về Nghị quyết 68-NQ/TW, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước ngoặt về tư tưởng, một bước đột phá về nhận thức, khi lần đầu tiên, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định rõ ràng và dứt khoát.
Theo ông Chính, Nghị quyết của Đảng là định hướng lớn, nhưng để thực thi thì phải thông qua luật, thông qua chính sách của Quốc hội và triển khai bằng các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành. Chính những văn bản này mới tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, đến người dân. Vì vậy, các doanh nghiệp đừng để lỡ giai đoạn rất quan trọng này - giai đoạn xây dựng luật, nghị định hướng dẫn.
“Nếu triển khai được đầy đủ những nội dung trong Nghị quyết 68-NQ/TW, tôi tin là phần lớn điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ. Chúng ta sẽ có một không khí, một tinh thần phát triển mới từ Đảng, từ Nhà nước và cả từ cộng đồng doanh nghiệp”, ông Chính nói.