Doanh nghiệp đau đầu vì thiếu nguyên liệu chế biến

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi hơn 13,2 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, rau quả, nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm, trong đó nhiều nhất là các mặt hàng ngô, hạt điều, tôm cá…

Hoạt động cầm chừng vì đứt gãy nguồn cung nguyên liệu

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong 8 tháng của năm 2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam tăng gần 9%, trong đó TP.HCM tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay của doanh nghiệp là nguồn cung nguyên liệu. Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào, nhưng các doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập đến 90%. Điều này khiến cho giá bán sản phẩm thực phẩm Việt khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm tương tự và mất lợi thế ở thị trường trong nước.

Thống kê từ cơ quan hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9/2022, Việt Nam đã chi hơn 13,2 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, rau quả, nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm từ Trung Quốc, EU… Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng ngô, hạt điều, thủy sản, rau quả.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam lý giải, nông sản của Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững. Trong khi đó, việc thống nhất tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật theo vùng từ các hộ nông dân còn nhiều nan giải. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến vì cần phải có nguồn hàng lớn.

Ông Lê Nguyễn Đoan Duy, Giám đốc phát triển kinh doanh, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu chia sẻ, doanh nghiệp ông muốn xây dựng nhà máy chế biến công suất 100.000 tấn thì nguyên liệu đầu vào ít nhất cũng phải 200.000 - 300.000 tấn. Song, để đảm bảo được khối lượng nguyên liệu đầu vào này không dễ, do các vùng nguyên liệu không đáp ứng được.

Nhiều công ty ngành chế biến lương thực, thực phẩm khác cho hay, doanh nghiệp chỉ hoạt động được khoảng 70-80% công suất nhà máy do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất… Thậm chí, doanh nghiệp còn đang đứng trước nguy cơ lỗ vốn, đền bù hợp đồng do chi phí sản xuất tăng cao. Việc đầu tư nguồn nguyên liệu từ nội địa đang là giải pháp được các doanh nghiệp hướng đến.

Giúp doanh nghiệp thì cần hỗ trợ nông dân

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định, nhất là cần có sự chủ động về nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam.

Đặc biệt, nếu các hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kết hợp với sự đầu tư của các công ty chế biến nguyên liệu thực phẩm thì cơ hội để tăng thêm giá trị cho nông sản là rất lớn. Điều này đòi hỏi việc mở rộng quy mô sản xuất với mức độ kiểm soát vệ sinh cao hơn tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị chuyên nghiệp.

Ông Lê Nguyễn Đoan Duy cho biết: “Hiện tại doanh nghiệp đang xây dựng những vùng nguyên liệu riêng, ví dụ như vùng nguyên liệu về dừa, vùng nguyên liệu sắn ở Nghệ An. Thông qua những vùng này, công ty sẽ kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời dần tự chủ nguồn cung nguyên liệu”.

Nỗ lực của doanh nghiệp thôi chưa đủ, để các doanh nghiệp có nguồn lực xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người nông dân, đồng thời xây dựng những đầu mối liên kết, giúp nông dân thấy được giá trị của việc cung cấp cho doanh nghiệp chế biến để sản xuất ra các nguyên liệu, từ đó đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cả một vùng.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-dau-dau-vi-thieu-nguyen-lieu-che-bien-d174937.html