Doanh nghiệp ĐBSCL mong nghị quyết về kinh tế tư nhân sớm đi vào đời sống
Theo chuyên gia, trong bối cảnh năm 2025, doanh nghiệp ĐBSCL cần nhạy bén thích ứng, nắm bắt cơ hội và vạch ra chiến lược phát triển phù hợp.
Chiều 14-5, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị doanh nghiệp hội viên thường niên năm 2025 với chủ đề thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu, cơ hội và hướng đi mới cho doanh nghiệp ĐBSCL.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo khảo sát do VCCI chi nhánh ĐBSCL thực hiện đầu năm 2025, phần lớn doanh nghiệp dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Cụ thể, 68,8% lo ngại về lạm phát và chi phí sản xuất tăng; 57,1% dự báo nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm; 54,5% cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ suy giảm.
“Những con số này là lời cảnh báo nghiêm túc, đòi hỏi chúng ta, cả khu vực công và tư, phải có hành động nhanh chóng, quyết liệt và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua sóng gió” – ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, năm 2025 mở ra với nhiều bất định từ kinh tế toàn cầu, đó là chính sách thương mại từ Hoa Kỳ, xung đột địa chính trị và biến động thị trường tài chính. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp ĐBSCL cần nhạy bén thích ứng, nắm bắt cơ hội và vạch ra chiến lược phát triển phù hợp.
“Chúng tôi mong muốn cung cấp các thông tin thiết thực, nhận diện rõ xu hướng thương mại quốc tế và đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường bền vững.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong “nguy” luôn có “cơ”. Nếu biết tận dụng các cơ hội từ cải cách trong nước, đồng thời nắm bắt xu hướng toàn cầu thì kinh tế Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng hoàn toàn có thể bước vào một giai đoạn phát triển đột phá” – Phó Chủ tịch VCCI nói.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết, các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào nghị quyết trung ương mới ban hành về phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, ông cũng mong rằng nghị quyết ban hành rồi thì Quốc hội, Chính phủ phải nhanh chóng đưa nghị quyết vào đời sống để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn, nhất là vấn đề đất đai, môi trường và thủ tục đầu tư…
Đồng thời, ông Đức cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang hồi hộp chờ đợi kết quả đàm phán của đoàn đàm phán (về thuế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ) để làm sao cộng đồng doanh nghiệp có những cơ hội mới tốt hơn, làm sao ĐBSCL vươn mình trong thời gian tới.
3 khó khăn lớn của doanh nghiệp ĐBSCL
Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL cho biết, theo khảo sát, năm 2024, doanh nghiệp ĐBSCL gặp nhiều khó khăn, trong đó đứng đầu là khó khăn về thị trường (liên quan cầu tiêu dùng, đối tác…); thứ hai là bất ổn chính trị, kinh tế thế giới; thứ ba là chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao do nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng. So sánh với năm 2023, các khó khăn của năm 2024 tăng gấp đôi.
Ngoài ra, những khảo sát thường niên trước đó thì vấn đề khó khăn về tiếp cận vốn, tài chính luôn được nêu ra đầu tiên thì năm 2024 khó khăn này chỉ xếp thứ tư. Đây là sự thay đổi lớn của doanh nghiệp ĐBSCL.