Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó trước rủi ro thương mại
Trong bối cảnh đang chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, doanh nghiệp dệt may đang triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là những hướng đi chiến lược của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam; rà soát và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu nhập khẩu nguyên phụ liệu đến sản xuất và xuất khẩu; đồng thời tăng cường minh bạch về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu, điều này không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, mà còn có thể tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa
"Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may nâng cao năng lực nội tại của mình, đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Nếu chúng ta không có năng lực thực sự, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì chúng ta không thể khai thác được. Các doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để giải quyết những đơn hàng tồn, làm thế nào để xuất khẩu sang đó trước thời hạn mà Mỹ đã tạm hoãn" - ông Cẩm chia sẻ.
Tính đến ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế như lực lượng lao động đông, tay nghề cao, quy mô sản xuất lớn... Tuy nhiên, để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần từng bước chuyển dịch từ gia công đơn thuần sang phương thức sản xuất ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (sản xuất ra thành phẩm và phân phối) để tăng giá trị, dịch chuyển lên phân khúc cao hơn trong chuỗi dệt may toàn cầu.