Doanh nghiệp dệt may phân hóa mục tiêu kinh doanh trước áp lực thuế quan

Trước những thách thức lớn từ thay đổi chính sách thương mại toàn cầu, thuế quan Mỹ, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn cách thận trọng, nhưng cũng có doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mục tiêu đã đề ra.

Mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp dệt may phân hóa cao. Ảnh: LH

Mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp dệt may phân hóa cao. Ảnh: LH

Thận trọng khi đặt mục tiêu kinh doanh

Tình hình chính trị thế giới đầy bất ổn, cùng với sự cạnh tranh lao động trong nước và các rào cản thuế quan từ Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành này tỏ ra thận trọng với các mục tiêu kinh doanh.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra vào ngày 25-4 vừa qua, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) đã đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt 9 tỉ đồng, với doanh thu là 1.192 tỉ đồng - mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 19 tỉ đồng so với năm ngoái.

Cùng tình trạng đó, Tổng công ty May Đức Giang cũng đặt mục tiêu doanh thu 2.700 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 25 tỉ đồng, chỉ tăng 1 tỉ đồng so với năm trước.

Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc May Đức Giang, nói rằng năm nay, khó khăn và bất ổn trong kinh doanh sẽ nhiều hơn so năm trước, do thuế quan đối ứng của Mỹ và chiến tranh thương mại gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Khó khăn về nhân lực cũng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Trong xu hướng này, May Đức Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng, bao gồm tăng cường hoạt động marketing, ứng dụng công nghệ AI, cải tiến chất lượng sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn cao.

Đáng chú ý, Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 là 616 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 50 tỉ đồng, lần lượt giảm 62 tỉ đồng và giảm 23 tỉ đồng so với năm ngoái. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch, Hugaco yêu cầu người lao động tập trung hết mức vào năng suất lao động nhằm hoàn thành các đơn hàng đã ký với khách hàng tại Mỹ trước khi áp dụng thuế đối ứng.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc, Hugaco còn tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới như Nga và Trung Đông.

Chia sẻ thêm về tình hình thị trường, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Hugaco, nhấn mạnh doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro xuất xứ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, cảnh báo rằng sự không ổn định trong chính sách thương mại Mỹ và căng thẳng địa chính trị có thể gây rủi ro lớn cho tăng trưởng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dệt may. Hòa Thọ đặt ra mục tiêu doanh thu 5.050 tỉ đồng và lợi nhuận hợp nhất 360 tỉ đồng cho năm 2025, tuy nhiên, doanh thu này giảm 189 tỉ đồng so với kết quả năm ngoái.

Những mục tiêu dè dặt của các doanh nghiệp trong ngành dệt may là phản ánh phần nào những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong một thị trường đầy biến động.

Doanh nghiệp kiên định trước khó khăn

Ngược lại với những điều chỉnh của một số doanh nghiệp, một số công ty vẫn quyết định duy trì mục tiêu kinh doanh đã đề ra từ đầu năm.

Cụ thể, Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Bùi Văn Tiến, đã xác định mục tiêu tổng doanh thu đạt 9.800 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 330 tỉ đồng trong năm nay, tương ứng với mức tăng 9%.

Dù phải đối mặt với những khó khăn từ tình hình kinh tế, lạm phát và chiến tranh, Việt Tiến vẫn quyết tâm nâng cao thu nhập bình quân của người lao động lên 13 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 4% so với năm ngoái.

Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang khẳng định rằng công ty sẽ duy trì các định hướng kinh doanh của mình bất chấp những khó khăn từ chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ. Việt Tiến đang đầu tư 40 tỉ đồng vào công nghệ tự động hóa, máy móc thiết bị chuyên dụng, cùng với việc nâng cấp môi trường làm việc và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Hà Nội.

Ở thị trường nội địa, Việt Tiến sẽ tập trung vào việc duy trì ổn định kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, tái cấu trúc các cửa hàng không hiệu quả, và áp dụng công nghệ RFID trong quản lý hàng hóa. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, công ty sẽ cân đối năng lực sản xuất và tái cấu trúc hệ thống khách hàng để phù hợp hơn với từng phân khúc thị trường.

Trong khi đó, Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu thuần hơn 4.525 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lợi nhuận ròng kỳ vọng ở mức gần 279 tỉ đồng.

Tổng giám đốc Song Jae Ho nhấn mạnh rằng với tỷ lệ doanh thu từ thị trường Mỹ chỉ chiếm 30%, Thành Công ít chịu tác động hơn so với các doanh nghiệp khác và sẽ tìm cách giảm tính phụ thuộc vào thị trường này bằng việc mở rộng phát triển sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Thách thức đan xen cơ hội

Một số công ty quyết định vẫn duy trì mục tiêu kinh doanh đã đề ra từ đầu năm. Ảnh: LH

Một số công ty quyết định vẫn duy trì mục tiêu kinh doanh đã đề ra từ đầu năm. Ảnh: LH

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, những doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy cơ hội trong việc chuyển hướng đơn hàng.

Chủ tịch Vũ Đức Giang nhận định rằng mức thuế 46% mà Mỹ đề xuất ban đầu đã được điều chỉnh xuống 10% cho các quốc gia khác. Ông khẳng định Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực từ phía Mỹ, và Việt Tiến sẽ chủ động, linh hoạt ứng phó với biến động này. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu thuế 46% được áp dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Song Jae Ho nhận định rằng với việc Mỹ áp thuế 245% lên hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam có thể nhận được lợi ích ngắn hạn từ việc chuyển hướng đơn hàng từ Trung Quốc. Ông cho rằng cơ hội này không chỉ đến từ việc tăng trưởng đơn hàng mà còn từ khả năng duy trì thuế suất thấp cho hàng hóa Việt Nam vào Mỹ.

Mặc dù Việt Nam đang hưởng lợi từ việc hàng hóa Trung Quốc bị cản trở vào thị trường Mỹ, nhưng sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ quốc gia này vẫn là rào cản lớn. Khoảng 50-60% nguyên liệu vải của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc, tạo ra kẽ hở trong chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng ngành này vẫn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề này. Nguyên liệu từ Trung Quốc có thể bị áp mức thuế khác so với nguyên liệu từ Việt Nam hoặc các nguồn cung khác, điều này tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt nếu biết tận dụng.

Việc hàng Trung Quốc bị chặn đứng tại Mỹ có thể mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, nếu biết nắm bắt. Mặc dù người tiêu dùng Mỹ có thể giảm chi tiêu do thuế quan, thị trường vẫn rất tiềm năng. Để thành công, các doanh nghiệp Việt cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu hải quan Mỹ.

Việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng đang là những hướng đi mà các doanh nghiệp ngành dệt may hướng tới nhằm ứng phó với quyết định áp thuế đối ứng từ chính quyền Donald Trump.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-det-may-phan-hoa-muc-tieu-kinh-doanh-truoc-ap-luc-thue-quan/