Doanh nghiệp dệt may thưởng Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 ra sao?
Dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp dệt may xoay sở dòng tiền để thưởng Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 nhằm đảm bảo thu nhập cho lao động.
Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023 gần như đỉnh điểm của doanh nghiệp ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu giảm 9,2% so với năm 2022, đạt 40,3 tỷ USD. Tình trạng thiếu đơn hàng diễn biến trầm trọng khiến doanh nghiệp lao đao, phải giảm bớt giờ và chia ca sản xuất với nỗ lực cao nhất duy trì việc làm cho người lao động.
Trong bối cảnh đó, với nhận thức con người đứng ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp dệt may xoay xở bằng mọi cách để có dòng tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 giúp người lao động ổn định thu nhập, đủ đầy trong dịp năm mới.
Mặc dù chưa có con số thưởng Tết cụ thể của các doanh nghiệp trong ngành, tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, doanh nghiệp sẽ có phương án thưởng Tết cho người lao động, doanh nghiệp nào thấp nhất là 1 tháng lương, cao là 2 - 3 tháng.
Dự tính ngày 22/1/2024, Công ty MTV May mặc Việt – Pacific sẽ thưởng Tết cho người lao động, dự kiến một tháng lương, trung bình 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tổ chức liên hoan cuối năm và bốc thăm trúng thưởng dành cho cán bộ, công nhân viên.
Với khoảng 2.400 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, ông Đào Duy Khánh - Phó Giám đốc Công ty CP May Tiền Tiến, Tổng Công ty CP May Việt Tiến thông tin, hiện ban lãnh đạo công ty đang tính phương án thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 để tổng thu nhập năm 2023 có thể tương đương với năm 2022 - thời điểm đơn hàng thuận lợi để giữ chân người lao động.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm biến động lao động tương đối lớn tại khu vực phía Nam và tại Tiền Giang cũng không ngoại lệ, do đó việc đảm bảo thu nhập cho người lao động là yếu tố tiên quyết, được ban lãnh đạo cân nhắc, đề xuất với Tổng Công ty CP May Việt Tiến phê duyệt phương án, có thể là 2 – 3 tháng lương nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh sau Tết âm lịch.
“Năm 2024, nếu đơn hàng thuận lợi trở lại, doanh nghiệp sẽ tính đến phương án bố trí lại số chuyền, sản xuất vì hiện nay vẫn còn diện tích trống trong nhà máy, do đó phương án tuyển dụng lao động bổ sung đã được cân nhắc, mở rộng tuyển dụng tại các địa bàn lân cận, thêm các chế độ phúc lợi cho người lao động để giữ chân và ổn định sản xuất”, ông Đào Duy Khánh cho hay.
Bên cạnh khoản thưởng Tết, doanh nghiệp dệt may còn canh cánh nỗi lo dịch chuyển lao động sang nghỉ Tết Nguyên đán. Bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Bình Dương, bày tỏ, ảnh hưởng của dịch Covid từ năm 2021 kéo dài tới nay đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may không còn dài và có quy mô lớn như trước, với các doanh nghiệp tại khu vực Bình Dương thì năm 2023 thực sự khó khăn. Nhiều lao động nghỉ việc đã trở lại quê sinh sống, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng.
Thời điểm này, một số doanh nghiệp lớn thuộc Hiệp hội về cơ bản ổn định, tuy không có tăng ca, làm thêm giờ như thời điểm trước đó nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó, phải cho lao động nghỉ việc. Với các doanh nghiệp này, khi có đơn hàng tuyển dụng trở lại gặp không ít khó khăn.
Thực tế hiện nay, lượng tồn kho đã giảm nhưng khách hàng không đặt số lượng lớn mà hầu hết chỉ đặt các đơn hàng vừa phải, do đó các doanh nghiệp chỉ có thể “ăn đong” theo từng đơn hàng mà chưa thể xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi. Do đó, để tuyển dụng lao động thời điểm này không còn quá khó khăn, nhưng để đảm bảo và duy trì việc làm cho người lao động sau tuyển dụng cần cân nhắc.
Theo dự báo, nửa đầu năm 2024 tình hình đơn hàng của ngành dệt may có khởi sắc nhưng rất ít và có thể cải thiện mạnh mẽ hơn vào nửa cuối năm. Doanh nghiệp cùng người lao động tiếp tục đồng hành, chia sẻ vượt qua khó khăn, tiến tới mục tiêu phát triển ổn định.