Doanh nghiệp dệt may Việt có đủ sức 'lội ngược dòng'?

Nhìn vào những nhận định, dự báo, phân tích về thị trường, tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam để thấy việc 'lội ngược dòng' vào các tháng cuối năm vẫn còn đầy thách thức lớn, nhất là trước mối lo nhu cầu hàng may mặc còn thấp kéo dài. Song song đó, trước cú chuyển mình của xu hướng tiêu dùng thế giới cũng đòi hỏi các DN Việt cần đáp ứng phù hợp nếu không muốn bị tụt hậu và mất thị phần.

Thông tin vừa cập nhật trong tháng 8/2023 từ CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho thấy, công ty hiện vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và vẫn hoạt động chưa tối đa công suất.

Thị trường chưa có động lực tăng?

Tính đến thời điểm hiện nay, TCM đã nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 3/2023 và nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2023. Trong khi đó, theo dự báo của công ty, tình hình mua sắm mặt hàng dệt may các tháng cuối năm tốt hơn trước đó, tuy nhiên vẫn còn chậm do kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm nay.

Các công ty dệt may cần có những thay đổi phù hợp trước cú chuyển mình của xu hướng tiêu dùng thế giới nhằm “lội ngược dòng” và tránh nguy cơ bị tụt hậu.

Các công ty dệt may cần có những thay đổi phù hợp trước cú chuyển mình của xu hướng tiêu dùng thế giới nhằm “lội ngược dòng” và tránh nguy cơ bị tụt hậu.

Mặc dù tháng 7 vừa qua, tình hình khả quan hơn do thị trường Mỹ và EU bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên trong kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023 được TCM công bố mới đây đã thể hiện doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 37% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo dự báo mới đưa ra từ lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, nhận định thị trường những tháng cuối năm chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng không xấu hơn, đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Nguy cơ thời gian gần là giảm số lượng hàng hóa, gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất đang có sẵn.

Lãnh đạo Vinatex cũng lưu ý các công ty thành viên quan tâm các vấn đề như lãi suất vay giảm, biến động tỷ giá VND/USD, giá bông ở thời điểm hiện tại, ngưỡng tài chính… để chuẩn bị nguyên liệu, hệ thống kinh doanh, tài chính, tín dụng phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong những tháng cuối năm 2023.

Phân tích một số dự báo về tỷ giá các tháng cuối năm 2023, ông Lê Tiến Trường cho biết, mức độ mất giá của VND so với đồng nội tệ của các nước là rất thấp, trong đó VND mất giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ (Trung Quốc) là 7,15%, Yên (Nhật) là 8,29%, Tân Đài tệ (Đài Loan, Trung Quốc) là 5,59%…

Do đó, áp lực giảm giá VND là rất lớn khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng USD tăng giá và lãi suất cao hơn VND sẽ xuất hiện rủi ro lớn hút dòng vốn ra khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất cho mùa Giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó cầu ngoại tệ thời gian tới sẽ tăng.

Với những dự báo trên, khả năng từ nay tới cuối năm VND sẽ mất giá thêm 2% vào cuối năm 2023. Do đó, theo ông Trường, các DN thành viên cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.

Cú chuyển mình và mối lo tụt hậu

Nhận định về tình hình kinh doanh của Vinatex trong các tháng tới, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng sẽ thuận lợi hơn cho DN này, do người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm tiếp tục chi tiêu và các thương hiệu lớn bổ sung hàng tồn kho. Còn về những rủi ro chính nằm ở việc phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ các nhà cung cấp chính từ Trung Quốc, biến động tỷ giá VND/USD, nhu cầu hiện tại yếu tại các thị trường XK chính và chi phí lao động tăng cao

Theo dự báo của Mirae Asset, doanh thu của Vinatex năm 2023 có thể sẽ giảm 10% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ giảm 51%.

Còn với CTCP May Sông Hồng (MSH), chuyên gia phân tích nhận định mặc dù kết quả không khả quan trong nửa đầu năm nay nhưng tin rằng doanh thu của công ty sẽ cải thiện trong các tháng cuối năm do công ty có danh mục khách hàng chất lượng cũng như có kinh nghiệm trong việc thực hiện các đơn hàng FOB có tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của DN này cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MSH năm 2023 lần lượt giảm 14,8% và 36,9%.

Với CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, chuyên gia phân tích của Mirae Asset cho rằng các đơn hàng dệt may sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý 3/2023, do giá trị hàng tồn kho của các thương hiệu chính thấp hơn so với đầu năm. Biên lợi nhuận của mảng may mặc sẽ duy trì ở mức thấp do các khách hàng chính tiếp tục cắt giảm chi phí, trong khi lãi suất cao nhiều khả năng sẽ duy trì đến cuối năm.

Bên cạnh những dự báo, nhận định về tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của một số DN hàng đầu như trên, sẽ thấy việc tìm cách “lội ngược dòng” của các DN trong ngành dệt may vào các tháng cuối năm còn đầy thách thức.

Không chỉ khó khăn do nhu cầu sụt giảm, ngành dệt may Việt Nam còn đang phải cạnh tranh gay gắt với các cường quốc dệt may khác như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Chẳng hạn như chuyện “vượt mặt” của ngành may mặc Bangladesh. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới, dệt may Việt Nam chiếm khoảng 5,7% thị phần toàn cầu, trong khi Bangladesh nhỉnh hơn với 6,5%, cho thấy đây là môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi các quốc gia khác cũng đang nỗ lực hết sức để gia tăng thị phần.

Trước bối cảnh như vậy, không chỉ nỗ lực “lội ngược dòng” mà còn đòi hỏi các DN dệt may Việt Nam phải thay đổi để phù hợp xu hướng tiêu dùng thế giới. Như lưu ý của Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT), người tiêu dùng, các thương hiệu và cơ quan quản lý ngày càng yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường. Cú chuyển mình này đang thúc đẩy những thay đổi đáng kể trong ngành và các công ty không thích ứng kịp có nguy cơ bị tụt hậu.

Để đáp ứng những yêu cầu của người tiêu dùng và thương hiệu, theo ông Tùng, ngành dệt may Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ xanh, áp dụng các phương thức bền vững và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của họ. Cần hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, để đảm bảo tiếp cận bền vững một cách toàn diện.

Đơn cử như việc hỗ trợ tài chính và ưu đãi. Vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh việc chuyển đổi theo hướng bền vững đòi hỏi cam kết tài chính đáng kể từ các DN. Để giảm bớt gánh nặng này và tạo điều kiện cho sự chuyển đổi xanh của ngành dệt may, Chính phủ cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, bao gồm việc cấp tài trợ, cho vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế đối với các DN sẵn sàng đầu tư vào những công nghệ bền vững và phương thức thân thiện với môi trường.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-det-may-viet-co-du-suc-loi-nguoc-dong-1094835.html