Doanh nghiệp dệt may xoay trục thị trường

Thông tin ban đầu từ một số cuộc đàm phán thương mại đã gỡ bỏ phần nào mối lo cho các nhà xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp dệt may. Song, họ vẫn có sự chuẩn bị cho các kịch bản kém tích cực.

TNG đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu mới cũng như thích ứng với các quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa

TNG đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu mới cũng như thích ứng với các quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa

Vẫn thận trọng

Theo thỏa thuận tại vòng đàm phán mới đây, Mỹ đã quyết định tạm thời giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% xuống mức 30%, còn Trung Quốc hạ thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Bước giảm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giúp thị trường hàng hóa toàn cầu bùng nổ.

Tại Việt Nam, sau thời gian chìm trong lo lắng về biến động thuế quan từ Mỹ, tâm lý lạc quan, hứng khởi quay trở lại với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) khẳng định, sau thời gian căng thẳng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ban đầu đã tìm được tiếng nói chung, đưa ra mức thuế phù hợp và đây là tín hiệu tốt về kết quả đàm phán thương mại giữa các nước với Mỹ. Đây cũng là thông tin tích cực với các doanh nghiệp xuất khẩu như TCM.

Theo ông Tùng, hiện TCM tiếp tục hoạt động theo nhịp độ bình thường, Công ty đã nhận được đơn hàng đến quý III/2025.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG) cũng cho biết, hoạt động xuất khẩu của Công ty vẫn diễn biến tích cực. Đến nay, TNG đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 8/2025 và đang chuẩn bị chào đơn hàng cho vụ Đông - Hè 2026. Công ty duy trì xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt đẩy mạnh vào thị trường Nga.

Nhìn nhận về diễn biến thuế quan mới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu và Phát triển Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung, công bố ngày 12/5 vừa qua mang lại tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đàm phán này không chỉ diễn ra một vòng, mà còn nhiều vòng khác nữa nên doanh nghiệp vẫn thận trọng. Trong quý I/2025, nhiều doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn gửi ngân hàng, họ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cầm chừng để chờ động thái rõ ràng của chính sách thuế quan. Khi chính sách rõ hơn, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất trở lại.

Theo chuyên gia Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tâm lý lạc quan trở lại nhưng doanh nghiệp chưa yên tâm hoàn toàn, họ vẫn đề phòng kịch bản xấu. Bởi họ e ngại rằng, nếu qua nhiều vòng đàm phán, mức thuế quan vẫn cao, nhà cung cấp và nhà bán hàng phải cùng san sẻ áp lực chi phí tăng khi thuế tăng, dẫn đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm. Doanh nghiệp phải chọn hy sinh lợi nhuận để chuỗi cung ứng không bị đứt gẫy.

Xoay trục thị trường, thích nghi với biến động

Ở kịch bản lạc quan, căng thẳng thương mại toàn cầu hạ nhiệt, hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường, ông Minh cho rằng, để có sự phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sản xuất.

Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM, rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Trước mắt, có hai việc doanh nghiệp phải làm ngay, đó là tìm nguồn nguyên liệu ở thị trường khác ngoài Trung Quốc và tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm đầu ra, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ.

Về nguyên liệu đầu vào, Chủ tịch TCM cho rằng, nếu sử dụng vải do Việt Nam sản xuất, doanh nghiệp dệt may còn được hưởng lợi khi xuất sang thị trường châu Âu nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Với đầu ra, lãnh đạo TCM cho biết, Công ty chủ động mở rộng thị trường ở các nước trong khối CPTPP và hiện ghi nhận sự tăng trưởng tốt ở thị trường Canada.

Mới đây, Bộ Công Thương đã lưu ý các doanh nghiệp cần cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo cơ quan này, việc kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào được xem là giải pháp chủ động ứng phó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Việt Nam và các đối tác mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG, đại diện Công ty cho biết, các đơn hàng đi Mỹ sẽ lựa chọn nguyên liệu sản xuất trong nước, hoặc các nước trong khu vực Nam Á, Hàn Quốc. Còn với đơn hàng đi châu Âu, Nga, Công ty có thể sử dụng nguyên liệu nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng tỷ lệ không quá cao, tùy thuộc thị trường.

TNG đang tiếp tục mở rộng thị trường Nga. Đến nay, TNG đã có hai công ty chi nhánh sản xuất đơn hàng cho thị trường Nga và hiện thị trường này đặt một số mẫu hàng mới, nhu cầu tăng. Qua đó, đơn hàng của TNG từ đầu năm tới nay cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, kết quả kinh doanh quý I và quý II của doanh nghiệp vẫn khả quan, nhưng quý III diễn biến thế nào còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ.

Đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin chính thức về đàm phán thuế quan giữa Việt Nam với Mỹ. Lập trường của Chính phủ Việt Nam là mong muốn hai bên sớm đạt được thỏa thuận về thuế quan có lợi cả trước mắt và lâu dài cho cả hai bên. Việt Nam rất chủ động, tích cực để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ. Trong đó, có việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa mà Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, giảm thuế quan nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, giải quyết các vướng mắc cho các dự án Mỹ tại Việt Nam…

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-det-may-xoay-truc-thi-truong-post369503.html