Doanh nghiệp địa ốc phía Nam chưa hết khó
Dù thị trường bất động sản đã phục hồi, nhưng không ít doanh nghiệp địa ốc phía Nam vẫn phải cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc để vượt khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa thể phát triển lại dự án.
Giảm nhân sự, tái cấu trúc
Kết thúc quý I/2025, thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp địa ốc trở lại đường đua phát triển khi liên tục công bố dự án mới. Các nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, thị trường đã hồi phục khá tốt so với giai đoạn 2021 - 2024.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp quyết định giảm nhân sự và tái cấu trúc. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng K. (xin không nêu tên) từ đầu năm 2025 đã cho biết sẽ tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm số phòng/ban, giảm nhân sự, áp dụng chính sách nghỉ không lương và làm việc online.
Giai đoạn 2010 - 2020, công ty này là doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM, tiên phong phát triển bất động sản xanh. Dù trong tay có khá nhiều quỹ đất lớn, vị trí đắc địa tại TP.HCM, nhưng nhiều năm nay, doanh nghiệp này không phát triển được dự án mới. Trong đó, có dự án tại TP. Thủ Đức bị dừng triển khai nhiều năm vì vướng pháp lý.
Cũng chọn tái cấu trúc, Công ty cổ phần Địa ốc L. (xin không nêu tên) từ đầu năm tới nay đã cắt giảm 50% nhân sự, đồng thời thắt chặt các khoản chi. Lý do đến từ việc nhiều năm nay, doanh nghiệp gặp khó trong việc phát triển các dự án bất động sản.
Thậm chí, một doanh nghiệp địa ốc khác tại TP.HCM là Công ty cổ phần Gotec Land đã cắt giảm tới 80% nhân sự, chỉ giữ lại các lãnh đạo phòng, làm việc 2 ngày/tuần. Từng triển khai hàng loạt dự án bất động sản cao cấp tại TP.HCM, Đà Nẵng, nhưng giờ đây, doanh nghiệp này đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Nguồn doanh thu duy nhất của Gotec Land để trả lương cho người lao động đến từ trung tâm tổ chức sự kiện, tuy nhiên, mức lương của các nhân sự cũng bị cắt giảm phần lớn.
“Doanh nghiệp lâm vào tình cảnh hiện nay bởi tài sản đã đầu tư vào dự án tại quận 7 (TP.HCM), nhưng nhiều năm bị dừng triển khai xây dựng và bán hàng vì pháp lý. Hiện dự án vẫn chưa được tháo gỡ, khiến doanh nghiệp thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài thêm, doanh nghiệp có thể bị phá sản”, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Gotec Land cho biết.
Còn nhiều thách thức
Từng là doanh nghiệp có lượng nhân sự cũng như dự án nhiều nhất tại Long An, nhưng với Công ty cổ phần Tập đoàn Thắng Lợi, năm 2025 vẫn là một năm khó khăn. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch bán hàng trở lại, dù lượng hàng tồn kho tại các dự án còn khá lớn.
Tương tự, Công ty Nam Group - chủ Dự án Thanh Long Bay tại Bình Thuận, cũng đang lâm vào cảnh khó khăn do thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa thực sự hồi phục, dự án mà doanh nghiệp phát triển chưa được khơi thông về pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Trần Anh Land chia sẻ, hiện các doanh nghiệp bất động sản ở phía Nam vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Từ năm 2022 tới nay, nhiều tập đoàn đã tái cấu trúc, nhưng một số nơi chưa được thực hiện xong và doanh nghiệp cũng chưa thể trở lại phát triển như trước đây.
Theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay vẫn là vướng mắc pháp lý. “Đơn cử, tại TP.HCM có 86 dự án không thể triển khai được, liên quan đến 57.000 căn nhà. Doanh nghiệp bị chôn vốn, gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ cần dự án được gỡ vướng, các doanh nghiệp sẽ thoát khỏi cảnh phải giảm nhân sự, cắt giảm lương như hiện nay”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holdings cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, không ít doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt với một hoặc một số kịch bản phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương… Bên cạnh pháp lý, thì thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng kiệt quệ. Khó khăn trong huy động vốn khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, do các dự án đang triển khai buộc phải tạm dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân.
“Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án bị dừng triển khai, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nợ lương... Do thiếu vốn, nhất là hạn chế vốn vay, doanh nghiệp địa ốc sẽ còn khó khăn trong năm 2025”, ông Hậu chia sẻ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-dia-oc-phia-nam-chua-het-kho-d272244.html