Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn gặp nhiều rào cản

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển, song đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực; sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế.

Số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng

Trên thế giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng như chương trình hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tại Việt Nam, phát triển doanh nhân nữ cũng là định hướng chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, 98% tổng số doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 20% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ cũng là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet…

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2022, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực doanh nghiêp. Hiện, Việt Nam là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận hỗ trợ tài chính và tín dụng, thậm chí khi có sẵn hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp này thì tỷ lệ nhận được thường thấp hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn hạn chế về tiếp cận thông tin hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đây là rào cản lớn nhất, chỉ xếp sau rào cản về thời gian cần dành cho gia đình. Việc biết ít thông tin về cơ chế hỗ trợ và quy trình phát triển kinh doanh nói chung ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và quản lý công việc hàng ngày. Không những thế, các doanh nghiệp này còn hạn chế về kỹ năng quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh; hạn chế về tiếp cận công nghệ cũng như kiến thức liên quan đến quy trình thông lệ tốt nhất về kế toán. Trong nhiều trường hợp, các nữ chủ doanh nghiệp thiếu nguồn lực để đào tạo và cải thiện kỹ năng cho các nhà quản lý cấp trung, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao…

Nên có chính sách hỗ trợ mang tính ưu tiên hơn

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phải đối diện với khó khăn, thách thức sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh cùng sự phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nhân nữ. Nhóm nghiên cứu Sách trắng về doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng ADB phối hợp thực hiện và công bố mới đây) khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội nên tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Về dài hạn, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ có tính chất ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp này, như tiếp cận tài chính, quản trị, công nghệ, ươm tạo. Các tổ chức hiệp hội ở trung ương và địa phương nên chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực để đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 5 lĩnh vực hành động để thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ. Cụ thể,lồng ghép vấn đề giới vào các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ;trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ phát triển (thông qua dịch vụ chuyên gia tư vấn gắn với các nhóm trợ giúp và mạng lưới kinh doanh, tổ chức các khóa đào tạo để phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp);tăng cường năng lực và kiến thức của doanh nghiệp (phát triển một hệ sinh thái để hỗ trợ và hợp tác với các nữ doanh nhân; tăng cường hoạt động phổ biến kiến thức cơ bản cho doanh nghiệp…).

Bên cạnh đó,tăng cường khả năng tiếp cận tài chính bằng cách xây dựng kế hoạch hành động tiếp cận tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp này; huy động hỗ trợ của khu vực ngân hàng thương mại; khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển sản phẩm tập trung vào những doanh nghiệp này, chẳng hạn như khoản vay có bảo đảm bằng các khoản thu trong tương lai hoặc cho thuê tài chính.

Cùng với đó, cần thực hiện các hành động nhằm thay đổi chuẩn mực và giá trị xã hội. “Các quan niệm xã hội và hành vi thực tiễn về giới vẫn là rào cản sâu xa chính yếu cho bình đẳng giới và sự phát triển của nữ chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức và hiểu biết về những rào cản này thông qua chia sẻ kiến thức và đào tạo”, các chuyên gia khuyến nghị.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/doanh-nghiep-do-phu-nu-lam-chu-van-gap-nhieu-rao-can-i358566/