Doanh nghiệp FDI tăng rót vốn vào công nghiệp hỗ trợ
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... sẽ được doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vốn mạnh thời gian tới.
.
Nhiều dự án cập bến
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch thu hút vốn đầu tư của cả năm, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 591 triệu USD, tăng 7% so với thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Theo đại diện của Hepza, kết quả này là do dòng vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực mà Thành phố khuyến khích, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Nếu tính riêng các dự án FDI mới được cấp phép, trong số 11 dự án, thì có tới 6 dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các ngành như cơ khí, điện tử, nhựa, cao su…
Với các dự án tăng vốn, đáng chú ý là Công ty Nikkiso Việt Nam (Nhật Bản) đã tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD để mở rộng sản xuất. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế.
Tại Đồng Nai, phần lớn Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp phép từ đầu năm đến nay thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong số các dự án FDI được tỉnh Bình Dương cấp phép từ đầu năm đến nay, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư khá lớn, như Dự án sản xuất sản phẩm từ hợp kim nhôm của Công ty Ever Giant International Private Limited (Singapore), vốn đăng ký 20 triệu USD; Dự án của Công ty Sung Shin Tech Limited (Singapore), vốn đăng ký 30 triệu USD…
Tính đến nay, 86% vốn FDI đầu tư tại Bình Dương là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành như điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất… được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, phần lớn dự án FDI mới được cấp phép từ đầu năm đến nay thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm lớn cũng thuộc lĩnh vực này, như dự án tăng vốn của Công ty TNHH Schaffler Việt Nam (tăng 50 triệu USD); dự án của Công ty Chang Shin Việt Nam (tăng 87 triệu USD)…
Xu hướng dòng vốn
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, cuối tháng 10/2020, đơn vị này đã ký thỏa thuận với Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bằng giải pháp kết nối cũng như liên kết vùng.
Đồng thời, thỏa thuận này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ bằng cách tạo kênh kết nối trực tiếp cung - cầu sản phẩm giữa các doanh nghiệp, giới thiệu đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và doanh nghiệp FDI.
Theo đại diện của Hepza, sắp tới, Ban sẽ cấp phép đầu tư cho một dự án FDI có quy mô khá lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, đó là dự án xây dựng nhà xưởng cao tầng để cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng của tập đoàn này đến thuê, triển khai hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, cuối năm nay hoặc đầu năm tới, khi Covid-19 bị đẩy lùi, làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
“Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm”, ông Okada Hideyuki nói.
Cũng theo ông Okada Hideyuki, trong xu hướng đầu tư mới của Nhật Bản, phần lớn doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-fdi-tang-rot-von-vao-cong-nghiep-ho-tro-d133371.html